Mặc dù là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới song nghịch lý thiếu dầu ăn đang xảy ra tại Indonesia. 

Suốt mấy tháng qua, nhiều người dân ở khắp Indonesia không thể mua nổi dầu ăn do giá cả mặt hàng này tăng phi mã và tình trạng đầu cơ tích trữ dầu ăn. Nguyên nhân là cuộc xung đột Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung của các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ toàn cầu tăng vọt, trong khi một số quốc gia sản xuất dầu cọ giảm đáng kể sản lượng. Khủng hoảng dầu ăn kéo theo lạm phát tăng cao, khiến đời sống người dân thêm khó khăn. Tháng trước, lạm phát của Indonesia đã lên tới 2,64%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Chính phủ Indonesia bắt đầu triển khai các chương trình bảo trợ xã hội mới, gồm Chương trình hỗ trợ trực tiếp dầu ăn (BLT), nhằm giảm tác động của giá tiêu dùng tăng cao đối với người lao động thu nhập thấp. Theo chương trình BLT, mỗi hộ gia đình được nhận khoảng 300.000 rupiah (gần 500.000 VND), tương đương với số tiền đủ mua dầu ăn trong vòng 03 tháng. 

Ông Susiwijono, thư ký Bộ điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, cho biết chính phủ Indonesia dành 6.900 tỷ rupiah cho chương trình hỗ trợ dầu ăn và ngân sách này là một phần trong Chương trình hồi phục kinh tế quốc gia năm 2022 của Indonesia (PEN-2022). Trong số khoảng 20,7 triệu hộ gia đình Indonesia được hưởng chương trình BLT, có hơn 18 triệu hộ gia đình đã đăng ký theo Chương trình hỗ trợ thực phẩm BPNT và hơn 1 triệu hộ gia đình thuộc Chương trình an sinh xã hội Hy vọng Gia đình (Family – Hope). 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan thực hiện chương trình BLT trong suốt tháng lễ Ramadan và hoàn thành trước ngày 1/5, là ngày lễ xả chay Idul Fitri quan trọng của người Hồi giáo. Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng quyết định phân phát thêm 750 tỷ rupiah tiền mặt cho 2,5 triệu người bán hàng trên đường phố, chủ các cửa hàng ăn uống và ngư dân.

Bộ Các vấn đề Xã hội được giao việc phân phối lương thực cho người dân, trong khi quân đội (TNI) và cảnh sát quốc gia được huy động đảm bảo việc chuyển giao tiền hỗ trợ đến với người lao động nghèo. Theo các chuyên gia kinh tế, hỗ trợ tiền mặt cho người dân mua dầu ăn không phải là biện pháp kiểm soát lạm phát nhưng là sự phản ứng thích hợp của chính phủ Indonesia trước lạm phát, giúp giảm gánh nặng tiêu dùng cho người dân. Do vậy, chính phủ Indonesia có thể kéo dài việc làm này trong ít nhất 3 tháng.

Tại Indonesia, đảm bảo an ninh lương thực luôn được chính quyền coi trọng vì gắn liền với sự tín nhiệm của người dân. Vấn đề này càng trở nên quan trọng khi cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia sắp diễn ra vào năm 2024./.