Vụ bắt cóc con tin tại Algeria tiếp tục được cộng đồng quốc tế quan tâm. Nhiều quốc gia có công dân trong vụ bắt cóc này vẫn tiếp tục theo dõi số phận những người bị mất tích. 5 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ. Tính đến thời điểm này, Đài truyền hình Algeria đưa tin, số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng con tin đã lên hơn 80 người, trong đó có 32 tay súng khủng bố. Tuy các biện pháp an ninh bị thắt chặt, nhưng mối lo về vụ việc tương tự xảy ra vẫn đang hiện hữu không chỉ đối với cư dân địa phương mà cả khu vực.

phong-toa-amenas.jpg
Cảnh sát Algeria bảo vệ bên ngoài bệnh viện gần tổ hợp In Mamenas nơi những người bị thương đang được điều trị (Ảnh: AP)

Trong một thông điệp phát đi từ Nhà Trắng ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng trách nhiệm gây ra thảm kịch chết người của vụ bắt cóc con tin tại Algeria hoàn toàn thuộc về các tay súng Hồi giáo, ông cũng cho đây là lời nhắc lại về mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cùng ngày bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những gia đình có nạn nhân trong cuộc khủng hoảng con tin tại Algeria. Ông cũng lên án những kẻ bắt cóc con tin và gọi là những kẻ “khủng bố”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sốc khi nhiều nạn nhân chết trong vụ bắt cóc con tin tại Algeria. Vụ việc này cho thấy bộ mặt khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Đây là những kẻ khủng bố, là những tên tội phạm không tôn trọng tính mạng của những người dân vô tội”.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết 3 kiều dân nước này được xác nhận đã chết, chưa kể 3 công dân Anh được cho là thiệt mạng trong vụ tấn công. Ông Cameron kêu gọi một nỗ lực toàn cầu thống nhất nhằm tiêu diệt các mối đe dọa từ al-Qaeda.

Ông Cameron nêu rõ: “Qua vụ việc này cho thấy, chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thành công trong việc làm giảm các mối đe dọa từ một số nơi trên thế giới, nhưng tại khu vực Bắc Phi thì mối đe dọa này đang là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi chúng ta có một phản ứng toàn cầu”.

Đại sứ quán Malaysia ở Algeria đã nhận được thông báo từ công ty chủ quản cho biết một công dân Malaysia đã thiệt mạng trong khi một người nữa hiện chưa biết số phận ra sao. Bộ Ngoại giao Malaysia đang thu xếp để đưa 3 công dân thoát nạn về nước.

Tại Tokyo, giới chức Nhật Bản thông báo 10 trong số các công dân nước này làm việc tại tổ hợp In Mamenas hiện vẫn mất tích.

Theo giới chức Algeria, toàn bộ 32 tên khủng bố đã bị tiêu diệt. Song các lực lượng an ninh Algeria vẫn tiếp tục thắt chặt an ninh tại tỉnh In Amenas do lo ngại các kẻ khủng bố có thể tập hợp lực lượng để quay lại trả thù. Cư dân địa phương đều có chung cảm giác bất an trước tình hình hiện nay:

“Mọi việc bây giờ đã ổn, nhưng tôi cảm thấy sốc trước những gì đã xảy ra. Lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy sợ hãi vì đây là một khu vực công nghiệp. Sẽ rất khủng khiếp khi một việc gì đó xảy ra như nhà máy phát nổ? Điều này sẽ rất khủng khiếp cho người dân địa phương”.

“Trước hết, là người dân địa phương, chúng tôi lên án hành động này, bởi vì những tên bắt cóc không chỉ nhắm đến người nước ngoài mà còn nhằm vào cả những người dân địa phương chúng tôi. Điều này phá hủy nền kinh tế của In Amenas nói riêng và nền kinh tế Algeria nói chung”.

Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia an ninh quốc tế nhận định vụ bắt cóc hàng trăm con tin tại một nhà máy khí đốt thiên nhiên tại khu vực In Amenas thuộc miền Đông Algeria là một thông điệp rõ ràng rằng mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, vốn đang muốn trả thù hành động can thiệp quân sự của Pháp tại Mali, có thể tấn công vào bất cứ nơi nào thuộc khu vực Sa mạc Sahara. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc hợp tác chặt chẽ với giữa các nước để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này vẫn là vấn đề các nhà đương cục và đối tác nước ngoài quan tâm hàng đầu./.