Hôm 11/10, Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển - G7 họp tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hội nghị tập trung thảo luận các biện pháp tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây là hội nghị G7 tiếp theo hội nghị tháng 4 vừa qua tại Mỹ. Vấn đề tài chính khu vực châu Âu sẽ là nội dung chính của hội nghị. Đại diện các nước đến từ khu vực đồng euro sẽ tiếp tục thảo luận về cơ chế hoạt động của Quỹ cứu trợ mới vừa được khởi động đầu tuần này nhằm giúp những nước thành viên khu vực đang ngập trong nợ nần.

ba%20lagarde.jpg
Giám đốc IMF Lagarde tại 1 cuộc họp báo của IMF và WB ở Tokyo (ảnh: beaumontenterprise)

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khá ổn định trong những tháng gần đây, đặc biệt trên thị trường tài chính. Tuy nhiên Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi lên khác đang phát triển chậm lại do tác động từ cuộc khủng hoảng châu Âu, trong khi tốc độ phục hồi của Mỹ cũng khá chậm chạp. Nhiều chuyên gia phân tích cũng lo ngại rằng, căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể tác động đến nền kinh tế châu Á.

Những diễn biến tại châu Âu vẫn là tâm điểm của sự bất ổn tài chính toàn cầu. Mặc dù những nỗ lực mới đáng kể của các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư.

Cố vấn tài chính của IMF Jose Vinals phát biểu: “Sự lựa chọn hiện nay tại châu Âu là giữa việc đưa ra các chính sách chặt chẽ nhưng cần thiết và các quyết định chính trị, hoặc là trì hoãn nó thêm một lần nữa. Việc trì hoãn với hy vọng rằng chúng ta vẫn còn thời gian là điều sai lầm. Trên thực tế, chúng ta không còn thời gian nữa.”

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde kêu gọi các nước giàu cần hành động nhanh chóng do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang ngày càng trầm trọng.

“Điều tôi mong đợi là hành động can đảm và mang tính hợp tác và can đảm từ các nước thành viên”, bà Lagarde nói. “Chúng ta cần kế hoạch hành động ở châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng euro, nơi vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng và đang cần hành động khẩn cấp nhất. Châu Âu đã có những bước tiến. Đó là Ngân hàng trung ương châu Âu với chương trình tái cấp vốn dài hạn đầu năm nay và quan trọng hơn là với chương trình Giao dịch tiền tệ công khai.”

Tuy nhiên, bà Lagarde cũng bày tỏ chưa hài lòng về phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nợ công. Bà cảnh báo, kế hoạch nhằm hạ chi phí vay mượn của các nước khó khăn về tài chính như Tây Ban Nha có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nều như các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro không đi đến một kế hoạch toàn diện và đáng tin cậy./.