Năm mới theo âm lịch vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là người dân châu Á chờ đón. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng và thường được đón chào với không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui bởi theo quan niệm, điều này sẽ mang lại sự khởi đầu một năm suôn sẻ.

1454837285940_nblh.jpg
Không khí đón năm mới Bính Thân ở Canberra Australia, Australia. (Ảnh: Canberra Times)
Ở Canberra, thủ đô của Australia, dù lễ hội chào đón năm mới âm lịch không rộn ràng bằng các hoạt động động đón năm mới dương lịch nhưng ở trung tâm Phật giáo Lyneham do hòa thượng Quang Ba Thich trụ trì vẫn luôn có rất đông người dân gốc châu Á tìm tới đây mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo hòa thượng Quang Ba Thich, dự kiến trong dịp Tết Bính Thân năm nay sẽ có hơn 1.000 người đến trung tâm để đón mừng năm mới.

Hòa thượng Quang Ba Thich cho biết, năm mới cũng là thời điểm đổi mới, lập kế hoạch cho năm tới và cùng quây quần bên gia đình để thưởng thức những món ăn ngon.

Đối với những người Việt Nam đang sinh sống ở Canberra, họ thường dành thời gian bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên với các loại quả, hoa, nến và hương. Có thể nói, gia đình chính là trung tâm của dịp lễ đón năm mới, khoảng thời gian này, các thành viên trong gia đình luôn muốn thể hiện sự biết ơn và tôn trọng đối với tổ tiên.

Hòa thượng Quang Ba Thich chia sẻ: “Nếu không có truyền thống gia đình, người ta cũng như cây mất gốc. Những người trẻ có thể chỉ quan tâm đến những mối quan hệ bạn bè, nhưng sẽ không ai có thể giúp đỡ bạn những lúc bạn ở tận cùng của tuyệt vọng, chỉ có gia đình mới là chỗ dựa vững chắc nhất”.

Vào ngày cuối cùng của năm Ất Mùi (tức 30 Tết) Trung tâm Phật giáo Lyneham tổ chức một bữa ăn chay cho những người đến lễ Phật và theo kế hoạch Trung tâm sẽ mời các đội lân sư rồng tới biểu diễn trong thời khắc giao thừa và trong ngày đầu tiên của năm mới Bính Thân 2016./.