Ngày 15/2, Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab (AL) về Syria, ông Lakhdar Brahimi đã phải thừa nhận vòng đàm phán thứ 2 tại Thụy Sĩ giữa Chính phủ Syria và phe đối lập trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2 đã kết thúc mà không đạt bất kỳ tiến triển nào.
Cùng ngày, sau khi cuộc đàm phán hòa bình Syria kết thúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận chưa thể giải quyết ngay được vấn đề Syria, đồng thời cho biết Washington đang cân nhắc các biện pháp mới cho cuộc nội chiến đã kéo dài hơn hai năm qua này.
Syria tan hoang trong nội chiến (Ảnh Reuters) |
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Quốc vương Abdullah 2 tại bang California, Tổng thống Obama thừa nhận không hy vọng cuộc nội chiến này sẽ sớm được giải quyết. Do vậy Mỹ có thể bắt đầu gia tăng áp lực với Syria để đẩy nhanh tốc độ quá trình giải quyết khủng hoảng ở nước này.
"Có hàng loạt biện pháp trung gian mà chúng ta có thể thực hiện để tăng áp lực với chế độ của ông Bashar al-Assad.Chúng tôi sẽ được tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan nhằm tìm được một giải pháp ngoại giao giải quyết vấn đề Syria”, ông Obama nhấn mạnh.
Theo ông Obama, các bước đi mới nhằm giải quyết vấn đề Syria có thể bao gồm việc gia tăng các nỗ lực nhân đạo và hối thúc các bên hữu quan tiếp tục hợp tác hướng tới một giải pháp ngoại giao.
Trước đó cùng ngày, Liên Hợp Quốc cho biết, bất chấp việc vòng đàm phán thứ hai về Syria đã kết thúc mà không đạt được kết quả.
Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục những nỗ lực thông qua ông Brahimi để “làm việc” với Nga và Mỹ nhằm thúc đẩy cuộc đối thoại này.
Trong khi đó, ông Brahimi đã xin lỗi người dân Syria sau khi các cuộc hòa đàm tại Geneva kết thúc mà không đạt được tiến bộ: “Tôi rất xin lỗi vì người dân Syria đã đặt hy vọng quá lớn vào vòng đàm phán lần này. Những điều nhỏ nhoi đạt được tại Homs đã mang đến cho người dân Syria hy vọng rằng, họ sẽ bắt đầu thoát ra được cuộc khủng hoảng khủng khiếp mà họ đang phải gánh chịu. Tôi xin lỗi vì qua hai vòng đàm phán đã không giúp gì nhiều cho người dân Syria”.
Các cuộc thảo luận vào sáng 15/2 giữa các bên tại Syria chỉ kéo dài 27 phút. Theo ông Brahimi, mặc dù hai bên đã nhất trí về một chương trình nghị sự cho các vòng đàm phán tiếp theo, nhưng Chính phủ Syria đã từ chối đề nghị của ông để bắt đầu một vòng thứ ba.
Cho đến nay, thỏa thuận duy nhất đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây nhất là cho phép dân thường rời khỏi thành phố Homs đang bị bao vây và đưa hàng cứu trợ vào bên trong.
Ngoại trừ điều này, các cuộc đàm phán, bắt đầu cách đây sáu ngày đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền của Tổng thống al-Assads và phe đối lập.
Phe đối lập từ đã lâu vẫn khăng khăng đòi lập một Chính phủ chuyển tiếp không có Tổng thống al-Assad hay bất kỳ người trung thành nào với ông. Chính phủ Syria luôn từ chối và khẳng định, không bao giờ có chuyện ông al-Assads rời khỏi quyền lực. Thay vào đó, họ tập trung vào sự cần thiết chống lại cái họ gọi là "những kẻ khủng bố".
Trong khi đàm phán hòa bình bế tắc, số người chết tại Syria không ngừng tăng lên. Theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền Syria, số người chết trong cuộc xung đột kéo dài gần ba năm hơn 140.000 người, trong đó có 50.000 dân thường./.