Vòng đàm phán mới tại Washington giữa Mỹ và Trung Quốc về căng thẳng thương mại đã bắt đầu từ hôm qua (22/8), nhưng sự kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp của đàm phán là không cao. Cuộc thảo luận có thể đặt ra khuôn khổ cho những đàm phán sâu rộng hơn, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị áp đặt thêm thuế với hàng nhập khẩu của nhau từ ngày hôm nay (23/8).

my_trung_odvb.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump không mây lạc quan về cuộc đàm phán thương mại. Ảnh: Getty.

Lần đầu tiên sau 2 tháng, các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp nhau để tìm cách thoát ra khỏi cuộc xung đột thương mại ngày càng sâu sắc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách kinh tế nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tập đoàn Mỹ, thúc giục Trung Quốc chấm dứt trợ cấp nhà nước cho ngành công nghệ hiện đại và mở cửa thị trường để các doanh nghiệp quốc tế cạnh tranh công bằng. 

Ông Donald Trump đe dọa áp đặt thuế đối với gần như hầu hết lượng hàng nhập khẩu trị giá 500 tỷ USD hàng năm từ Trung Quốc, trừ khi Trung Quốc đáp ứng được các yêu cầu mà Mỹ ra. Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng nước này ép buộc một cách có hệ thống các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và tuyên bố Trung Quốc tôn trọng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong khi Trung Quốc mong muốn cuộc đàm phán diễn ra êm đẹp và "mang lại kết quả tốt đẹp dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên tin tưởng và tương trợ lẫn nhau", thì Tổng thống Donald Trump cho rằng ông "không kỳ vọng quá nhiều" và việc giải quyết xung đột thương mại "sẽ cần nhiều thời gian”. Tổng thống Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng Nhân dân tệ nhằm bù đắp thiệt hại do các lệnh áp thuế từ Mỹ, đồng thời cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp.

Trong khi đó, chỉ còn vài giờ nữa, danh sách bổ sung 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25% sẽ chính thức có hiệu lực. Lực lượng Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ hôm 22/8 xác nhận trên trang weside rằng bắt đầu từ hơn 12h hôm 23/8 (giờ Mỹ), nước này sẽ bắt đầu thu thêm 25% thuế đối với 279 mặt hàng nhập của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Những mặt hàng chủ yếu chịu thuế gồm hàng điện tử bán dẫn, hóa chất, nhựa, xe máy, xe điện. Trung Quốc cũng tuyên bố trả đũa bằng cách áp thuế mới lên 16 tỷ USD hàng hóa nhập của Mỹ, trong đó có nhiên liệu, các sản phẩm thép, linh kiện ôtô và thiết bị y tế.

Trong các buổi điều trần xem xét đề xuất tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ đã tỏ rõ lo ngại về chính sách tăng thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump và sự trả đũa từ Trung Quốc. Tại đây, một cuộc khảo sát lấy ý kiến của 251 nhà kinh tế học về chính sách được công bố cho thấy, 91% cho rằng việc chính phủ Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ có tác động xấu đối với kinh tế Mỹ. Giới quan sát chỉ ra rằng, ngành gỗ của Trung Quốc và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn do cuộc tranh chấp hiện nay.

Ông Frank Zhang, tư vấn thuộc một công ty luật, kiêm đại diện Hiệp hội ngành công nghiệp chế biến lâm sản Trung Quốc nói: "Các công ty trong ngành chế biến gỗ lo ngại nếu bị áp thuế 25% thì xuất khẩu của họ sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Các nhà nhập khẩu và các công ty Mỹ cũng có mối lo ngại tương tự về hoạt động kinh doanh của họ, lo ngại cho công ăn việc làm của người lao động. Do vậy, ảnh hưởng đối với cả hai bên là rất lớn, chúng ta cần tìm ra giải pháp”.

Doanh nghiệp của 2 bên đều có chung lo ngại nhưng, các cuộc thảo luận giữa phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc ít được kỳ vọng sẽ chặn đứng được việc áp thuế bổ sung lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau, bắt đầu từ trưa nay theo giờ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, việc hai bên duy trì đàm phán đã là một động thái tốt.  

Trao đổi với hãng tin Reuters mới đây, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng, chưa có “khung thời gian” cho việc chấm dứt cuộc chiến thương mại. Nói cách khác Tổng thống Mỹ tuyên bố ông tin tưởng Mỹ sẽ chỉ phải ngồi đợi cho tới khi các biểu thuế mới gia tăng đủ áp lực đủ mạnh để Trung Quốc nhượng bộ và khi đó ông mới đàm phán ở vị thế mạnh hơn./.