Đây là nỗ lực tiếp theo của Nga và Mỹ , sau khi hai nước đã có những bước đi thành công gần đây trong việc giảm tình trạng bạo lực tại Syria. Tuy nhiên, với những bất đồng nổi lên giữa Nga và Mỹ sau 4 ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực cho thấy cơ hội để gia hạn lệnh ngừng bắn mong manh này vẫn còn rất khó khăn.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 16/9 hủy cuộc họp khẩn về Syria, do những bất đồng giữa các bên liên quan về thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ đầu tuần này.
Trẻ em chơi đùa ở một khu phố tại Bab al-Hadid, gần Aleppo, Syria. (Ảnh: Reuters) |
Dự kiến trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại diện Mỹ và Nga sẽ đệ trình những chi tiết về thỏa thuận đạt được, trong đó kêu gọi ngừng bắn, kế hoạch chuyển hàng cứu trợ và chiến dịch chung nhằm truy quét phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Nga đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua thỏa thuận này, song Pháp và các nước ủy viên khác cho rằng trước tiên họ cần phải biết thêm chi tiết về thỏa thuận.
Ngay sau thông báo hủy họp, Nga lên tiếng cáo buộc Mỹ không muốn chia sẻ chi tiết của thỏa thuận với các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, việc Mỹ không công khai chi tiết của thỏa thuận sẽ khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể thông qua thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Ông Churkin cũng chỉ trích sự thiếu hợp tác của Mỹ đối với thỏa thuận tại Syria.
Nga hiện không chỉ thúc đẩy một nghị quyết về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn kêu gọi Mỹ hợp tác để kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 16/9, người đứng đầu Trung tâm hòa giải của Nga tại Syria tướng Vladimir Savchenko cho biết, phía Nga và quân đội Syria đã thực hiện lệnh ngừng bắn đầy đủ. Tuy nhiên Mỹ và nhóm đối lập vẫn chưa tuân theo lệnh ngừng bắn. Quân đội Syria rút quân khỏi con đường chiến lược Castello
Theo ông Savchenko, bất chấp thực tế lệnh ngừng bắn bị vi phạm nhưng Nga vẫn muốn gia hạn lệnh ngừng bắn này: “Chúng tôi sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ nữa. Chúng tôi hi vọng phía Mỹ cũng có quyết định quan trọng, gây ảnh hưởng đến các nhóm vũ trang đối lập, yêu cầu họ tuân theo chặt chẽ thỏa thuận ngày mùng 9/9. Nếu không tình hình Syria sẽ không thể kiểm soát”.
Mỹ hiện cũng khẳng định tầm quan trọng của việc gia hạn lệnh ngừng bắn tại Syria nhưng bày tỏ quan ngại về các hoạt động nhân đạo không được thực hiện theo kế hoạch. Mỹ ngày 16/9 cho biết sẽ thành lập một Ủy ban chung phối hợp các cuộc tấn công nhằm vào phiến quân ở Syria nếu các hoạt động viện trợ nhân đạo được chuyển đến thành phố Aleppo bị vây hãm và các khu vực khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby nhấn mạnh: “Thỏa thuận này quan trọng nhất đó là nhằm giảm tình trạng bạo lực, đảm bảo tiếp nhận nhân đạo để thúc đẩy các điều kiện cho các cuộc đối thoại chính trị tại Syria. Tuy nhiên như chúng ta đều biết điều này không diễn ra. Các hoạt động viện trợ tại Aleppo là một trong những ưu tiên mà chúng tôi mong muốn cho thỏa thuận này”.
Đến ngày 16/9, đoàn xe chở hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc hiện có mặt ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được "bật đèn xanh" để khởi hành tới Aleppo. Nhiều dấu hiệu căng thẳng nổi lên giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề Syria chỉ 4 ngày sau khi lệnh ngừng bắn đi vào hiệu lực, làm lu mờ triển vọng lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần có thể được gia hạn để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. “Bộ trưởng truyền thông” của IS bị liên quân tiêu diệt ở Syria
Thực tế việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết về Syria chỉ giúp gia tăng sức mạnh chính trị cho thỏa thuận. Điều quan trọng đó là cam kết của chính các bên trong cuộc xung đột Syria tuân thủ thỏa thuận này. Tuy nhiên Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đạt được tại Syria chủ yếu là do nỗ lực từ bên ngoài chứ không phải do chính các bên trong cuộc xung đột Syria đồng thuận đưa ra.
Lực lượng đối lập Syria đã phải miễn cưỡng chấp nhận thỏa thuận này , trong khi Tổng thống Syria al-Assad đang giành lợi thế trong cuộc chiến nên cũng không quá vội vã thỏa hiệp. Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cũng thừa nhận rằng, không thể đảm bảo chắc chắn 100% việc thực thi thỏa thuận mà Nga và Mỹ vừa đạt được, bởi có nhiều bên tham gia vào quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria./.