Theo Reuters, nhóm người đòi ly khai tại Texas này khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý tại Anh có thể là hình mẫu cho bang Texas- từng là một quốc gia độc lập từ năm 1836-1845.

breixt_muxx.jpg
Kết quả của Brexit tại Anh đang khơi nguồn cho Texit tại Mỹ. Ảnh AP

Hơn thế nữa, ông Daniel Miller, Chủ tịch Phong trào Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Texas (TNM), nhấn mạnh, nếu tách riêng ra, nền kinh tế trị giá 1.600 tỷ USD của Texas có thể đứng thứ 10 trên thế giới.

“TNM chính thức kêu gọi Thống đốc bang Texas cần tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh cho người Texas”, nhóm này tuyên bố. Tuy nhiên, Thống đốc bang Texas Greg Abbott vẫn chưa đưa ra bình luận gì về việc này.

Trước đó, TNM- nhóm có sự ủng hộ của khoảng 250.000 người- đã thất bại trong việc kêu gọi tiến hành bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, họ dự định sẽ khởi động lại chiến dịch của mình vào năm 2018.

“Tôi có thể cảm nhận được không khí Texit hiển hiện rõ ràng”, ông Miller nói và cho biết Texit là từ khóa xuất hiện rất nhiều tại Mỹ sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh.

Ông Phillip Paulson- một người sử dụng Twitter- đã chia sẻ trên tài khoản của mình rằng: “Tuyệt vời. Brexit đã hoàn tất, giờ chúng ta cần Texit”.

Dù theo Hiến pháp Mỹ, một bang của nước này không thể tách rời khỏi liên bang, tuy nhiên, điều ngày không ngăn được những người muốn ly khai tiến hành hàng loạt chiến dịch của mình trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ.

Trên khắp nước Mỹ, những người muốn ly khai vẫn thường xuyên bày tỏ bất bình về chính sách thuế hay bất kỳ quy định nào mà họ coi là xâm phạm quyền tự do của họ. Dù vậy, những người này đã không thể ly khai thành công do vấp phải những rào cản về pháp lý hoặc không có đủ người ủng hộ.

Một cuộc thăm dò năm 2014 do Reuters/Ipsos tiến hành cho thấy có tới ¼ người Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc bang của mình rời khỏi Mỹ.

Tại Texas và nhiều bang khác, kết quả Brexit đã đến quá muộn để những người đòi ly khai có thể sử dụng điều này làm “bàn đạp” đòi tiến hành trưng cầu dân ý trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, điều này vẫn giúp họ nuôi hy vọng rằng, nếu có thể yêu cầu chính quyền các bang tổ chức trưng cầu dân ý về việc đòi ly khai, họ sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri./.