Trong khi một bộ phận công chúng Anh, những người ủng hộ Brexit  còn hân hoan với chiến thắng "độc lập” mới đạt được, thì nước Anh đang phải đối mặt với hậu quả đầu tiên. Đó là sự toàn vẹn của Vương quốc liên hiệp Anh đang bị đe doạ khi Scotland là quốc gia thành viên đầu tiên tỏ rõ động thái muốn tìm đường ly khai Anh với lập luận nước này muốn nằm trong Liên minh châu Âu (EU).

Hệ quả này là điều đã được tiên liệu trước. Một trong những luận điểm chính trong chiến dịch vận động "Ở lại EU" tại Anh  vừa qua là vì một thế giới an toàn hơn, bao gồm sự ổn định trong nội bộ nước Anh. Theo luận điểm này, Brexit có thể "khơi mào một quá trình không thể đảo ngược dẫn đến sự độc lập của Scotland và phá vỡ Vương quốc Anh”.

Vào ngày 24/6, ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, ông Nicola Sturgeon, Thủ tướng thứ nhất và là người đứng đầu Đảng Quốc gia Scotland (SNP), cho biết các quan chức nước này dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tách độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Theo kết quả kiểm phiếu ngày 24/6, có một nghịch lý là trong khi 62% cử tri Scotland nói không với Brexit so với số phiếu ủng hộ Brexit là 38%, thì kết quả chung toàn nước Anh là 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit so với 48% số phiếu ủng hộ ở lại EU. Kết quả này đi ngược lại nguyện vọng của cử tri Scotland và chiến thắng sát nút này cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ Vương quốc Anh.

Cùng với Scotland, đại đa số cử tri Bắc Ai Len cũng ủng hộ ở lại EU. Thực tế này cho thấy Anh có nguy cơ đối mặt với những thay đổi đột ngột trong nội bộ cũng như một "cuộc ly dị đầy rắc rối” với Brussels.

Washington coi đây là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ vì lịch sử "quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh mà vì Scotland hiện là nơi đặt dàn tên lửa đạn đạo Trident II D-5 của Mỹ, một hạng mục vũ khí nguyên tử ngăn chặn át chủ bài của NATO.

Vì đạo lý, chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Scotland muốn cấm vũ khí hạt nhân trong vòng bốn năm sau khi giành độc lập. Điều này có thể buộc Luân Đôn di chuyển vũ khí đến các căn cứ thay thế ở Anh hay trả lại vũ khí cho Mỹ và việc làm này sẽ tiêu tốn hàng tỉ đô la cũng như tạo ra những thăng trầm ngay tại thời điểm mối quan ngại về an ninh trong khu vực lên cao.

Trong bản tuyên ngôn sau khi thắng cử Nghị viện Scotland vào tháng qua, SNP  cam kết  sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu thứ hai về việc tách độc lập ra khỏi Anh nếu có sự thay đổi "đáng kể và hữu hình” về hoàn cảnh so với cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Khi đó, kết quả cuộc bỏ phiếu ở lại Anh sát sao với tỉ lệ 55% số phiếu ủng hộ và 45% số phiếu phản đối. Việc Scotland tiếp tục là thành viên của Anh cũng sẽ bảo vệ tương lai của EU là  một trong luận điểm chính trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Song tình hình đã đổi thay và  một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể chứng kiến một bước ngoặt quan trọng tiến tới sự độc lập của Scotland.

123_wisq.jpg
Những người vận động ly khai Anh phất cờ Scotland trong một cuộc mít ting lớn tại Glasgow vào ngày 17/9/2014. Ảnh: Dylan Martinez / REUTERS

Người tiền nhiệm của ông Sturgeon, ông Alex Salmond, nói: " Scotland muốn là một phần của châu Âu và tuyên ngôn của Scotland đã chỉ rõ nếu Scotland bị kéo ra khỏi châu Âu là đi ngược lại mong muốn của nhân dân Scotland và khi đó Nghị viện Scotland cần có quyền tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tiếp theo về việc tách độc lập khỏi Anh."

Tại Scotland, nhiều người cùng chung quan điểm với ông Salmond, trong đó phải kể đến nữ nhà văn J.K. Rowling, tác giả truyện Harry Potter. Bà Rowling đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter: "Scotland từ nay sẽ tìm đường độc lập”.

Tuy nhiên, chiến dịch vận động ly tán Anh tiếp theo có thể vấp phải những trở ngại mới, đặc biệt nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Scotland chịu thiệt hại nặng nề bởi giá dầu thế giới lao dốc kể từ cuộc trưng cầu dân ý trước.

Thêm vào đó, Scotland có thể phải gia nhập khu vực đồng tiền Euro để tái nhập EU như là một quốc gia độc lập. Chính quyền Mỹ tỏ rõ mong muốn Scotland và Anh ở lại với nhau cũng như Anh nằm trong lòng EU song hiện nay Washington đang phải chứng khiến một khung cảnh rạn nứt ở bờ bên kia Đại Tây Dương.

Tách khỏi Anh sẽ đặt dấu chấm cho ba thế kỷ cùng chung lịch sử và gây xáo trộn về thực thể lớn nhất kể từ khi Bộ luật Liên minh (Act of Union) được thực thi vào năm 1707.

Nếu như việc Anh rút khỏi EU đang "vẽ đường” cho Scotland ly khai Anh, thì rất có thể Bắc Ai Len sẽ noi gương Scotland. Vốn phản đối sự cầm quyền của Anh ở Bắc Ai Len, Đảng dân tộc chủ nghĩa Sinn Fein chỉ trích rằng kết quả Brexit cho thấy chính phủ Anh "đã bị tước mất sứ mệnh là đại diện về kinh tế và chính trị cho nhân dân Bắc Ai Len”./.