Ngày 12/7, nhà lãnh đạo các nước thuộc khối thị trường chung Nam Mỹ (gọi tắt là Mercosur) đã gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ liên quan đến chương trình gián điệp của nước này đồng thời lên án việc một số nước phương Tây từ chối cho chuyên cơ chở Tổng thống Bôlivia đi vào không phận của các nước này.

phi-co-bolivia.jpg
Các thành viên của khối thương mại Nam Mỹ Mercosur đề nghị triệu hồi đại sứ của Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Bồ Đào Nha để tham vấn vụ chặn phi cơ của Tổng thống Morales (Ảnh: EPA)

Các nhà lãnh đạo Mercosur gồm Venezuela, Brazil, Argentina, Uruguay và Paraquay cùng thành viên liên kết Bolivia ngày 12/7 đã gặp nhau tại Uruguay. Tại cuộc gặp, Tổng thống Venezuela Maduro đã lên án việc một số nước châu Âu đã chặn chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia do nghi ngờ trên máy bay có chở cựu nhân viên tình báo Mỹ (CIA) Snowden.

Ông Maduro nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận các chủ đề khác nhau và chúng tôi đã có ba thông cáo quan trọng. Một trong những thông cáo đó là lên án việc xâm phạm quyền riêng tư mà Tổng thống Bolivia Morales là nạn nhân. Khối Mercosur yêu cầu lời giải thích và xin lỗi từ các nước châu Âu về hành động đối với Tổng thống Morales”.

Các nhà lãnh đạo Mercosur cũng “lên án chương trình gián điệp và kiểm soát toàn cầu của chính phủ Mỹ vì nó vi phạm quyền riêng tư của công dân và chủ quyền của các nước”.

Tổng thống Maduro nhấn mạnh: “Hoạt động gián điệp gây chấn động tại Mỹ và trên toàn thế giới, từ đó gây ra những tranh cãi xung quanh chính sách đạo đức mà chúng tôi muốn xây dựng. Chúng tôi muốn xây dựng một thế giới của sự tôn trọng, hài hòa, hòa bình chứ không phải là một thế giới của bá quyền”.

Ngoài ra, cuộc họp lần này các nhà lãnh đạo Mercosur cũng bàn về trường hợp xin tị nạn của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người tiết lộ chương trình nghe lén của Mỹ. Khối này tuyên bố sẽ cung cấp tỵ nạn chính trị cho Snowden nếu ông có kế hoạch đến Mỹ Latin. Các nhà lãnh đạo Mercosur cũng thảo luận việc khôi phục tư cách thành viên cho Paraguay, vốn bị đình chỉ sau khi cựu tổng thống Fernando Lugo bị quốc hội kết tội và phải rời khỏi chức vụ năm 2012./.