Ngày 9/5, Liên bang Nga đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Trong số 30 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia đến tham dự Đại lễ này, chỉ duy nhất có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đặc quyền ngồi bên cạnh Tổng thống Nga Putin khi ngồi trên khán đài quan sát lễ diễu binh.
Trong Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít tại Moscow, giới quan sát dễ dàng nhận thấy, hai nguyên thủ đang phô bày tình hữu nghị thắm thiết giữa hai quốc gia cùng chịu tổn thất nặng nề về người trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Một câu hỏi được đặt ra: Liệu Trung Quốc có thể trở thành người bạn lớn của Nga để làm đối trọng trước phương Tây? Báo chí phương Tây bình luận về việc này với một chút hoài nghi.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp dẫn lời thông tín viên của mình tại Bắc Kinh cho rằng: “Hai nước hợp tác cùng có lợi. Bắc Kinh trông cậy vào Nga để biến giấc mơ “Con đường tơ lụa mới” thành hiện thực. Con đường này sẽ nối liền Trung Quốc với Châu Âu. Về phía Nga, việc mở rộng vòng tay tiếp đón Trung Quốc với hy vọng phá vỡ tình trạng cô lập của Moscow trước các biện pháp trừng phạt của Châu Âu.
Báo The Diplomat nhận định, phía sau những lời tuyên bố nồng thắm giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng có những căng thẳng nhất định khi hai bên không thỏa thuận được về giá khí đốt. Chuyên gia dầu khí Alexxandre Kornilov thuộc Alfa Bank nhận định, tập đoàn Nga Gazprom có vẻ yếu thế trong việc thương lượng với Bắc Kinh về giá bán khí đốt, vì có sự cạnh tranh của Turkmenistan, quốc gia Trung Á cũng giàu tài nguyên dầu khí. Nhà phân tích Alexandre Gabuev của Trung tâm Carnegie ở Mosvow bình luận: “Rốt cuộc người Nga cũng hiểu ra rằng Trung Quốc chỉ đầu tư khi thấy có lợi cho mình”.
The Diplomat cho rằng, dự án đường cao tốc nối Moscow với Kazan thuộc vùng Volga, mà theo ông Putin thì Bắc Kinh chấp nhận chi ra 300 tỷ rúp (5,2 tỷ euro), cũng như hợp đồng khí đốt là để tránh va chạm quyền lợi giữa “Liên minh Âu-Á” với “Con đường tơ lụa”. Cũng theo tờ báo, hai bên còn ký một bản ghi nhớ, cam kết không tấn công mạng lẫn nhau.
The Diplomat cũng nêu ra các lập luận phản biện của chuyên gia Alexandre Korolev ở Singapore, xung quanh 4 nhân tố gây cản ngại cho việc liên minh giữa Bắc Kinh và Moscow. Trước hết Nga sợ bị Trung Quốc lấn lướt; thứ hai, Nga rất lo lắng về lượng người Hoa ồ ạt nhập cư vào vùng Siberia. Nỗi lo thứ ba là lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và cuối cũng Nga và Trung Quốc không đủ tin tưởng lẫn nhau để có thể thành lập một liên minh.
Trong bối cảnh bị phương Tây tẩy chay do cuộc xung đột Ukraine, vào đúng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít Đức, ông Putin muốn tiến hành thật long trọng để đề cao tinh thần dân tộc và vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Phía sau những cảnh tay bắt mặt mừng giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình có phải là “tình hữu nghị nồng thắm”? Điều đó còn phải chờ xem./.