Chỉ vài tuần trước khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, với 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, Washington tiếp tục tăng cường phủ sóng ngoại giao để không bị bỏ lại phía sau ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và chuyến thăm châu Á kéo dài 10 ngày của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cũng không nằm ngoài mục đích, với chương trình nghị sự hàng đầu là khởi động quan hệ đối tác thương mại mới với Nhật Bản, hình thành khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm tới.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của bà Katherine Tai kể từ khi bà nắm giữ chức vụ Đại diện thương mại Mỹ vào đầu năm nay, đồng thời là chuyến thăm Seoul đầu tiên của một quan chức thương mại hàng đầu nước Mỹ kể từ năm 2011.

Trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhất trí chấm dứt cuộc chiến liên quan tới thuế nhập khẩu nhôm và thép, Mỹ và Nhật Bản cũng thảo luận vấn đề tương tự đang gây ảnh hưởng không chỉ tới các nhà sản xuất Nhật Bản, mà còn quan hệ đồng minh giữa hai nước. Cụ thể là mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt với Nhật Bản từ tháng 6/2018.

Trong khi Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy sự cởi mở hơn so với chính quyền tiền nhiệm, nhưng nước này tới nay vẫn chưa cho thấy ý định trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Được ký vào năm 2018, mối quan hệ đối tác này cũng đang được Trung Quốc quan tâm và là sự thay thế cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương ký năm 2016 với Mỹ, song cựu Tổng thốngDonald Trump đã quyết định rời đi vào năm 2017.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dù cho biết, Mỹ sẽ không sớm tham gia CPTPP, song đề cập đến việc ra mắt khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm tới,

“Như đã đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á mới đây, Tổng thống Giâu Bai-đừn đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và tầm nhìn về khu vực, cũng như thông báo về việc thiết lập một khuôn khổ kinh tế phù hợp trong khu vực, nơi chúng ta chia sẻ các tiêu chuẩn của nền kinh tế số, sự ổn định chuỗi cung ứng công nghệ, nền kinh tế không phát thải và những lĩnh vực quan tâm chung”, bà Raimondo nói.

Hồi tuần này, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu thông báo đã nhất trí đổi mới quan hệ đối tác ba bên để đối phó với những thách thức toàn cầu do các chính sách và thông lệ phi thị trường của các nước thứ 3 gây ra. Ba đối tác dự kiến sẽ tiếp tục công việc trong những tuần tới và sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới từ ngày 30/11 đến 3/12 tại Geneva, Thụy Sĩ./.