Ngoại trưởng 9 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm nay (28/7) nhóm họp tại Uzbekistan nhằm thảo luận về các biện pháp thúc đẩy lòng tin và tăng cường hợp tác.

Cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/7, với chương trình nghị sự tập trung vào những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối và mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt trong đó có việc kết nạp thêm các thành viên mới có “chung chí hướng”.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, 20 năm sau ngày ký Hiến chương SCO và 15 năm Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa các quốc gia thành viên, SCO đã và đang phát huy tinh thần Thượng Hải, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực. SCO khám phá một cách tiếp cận thành công mới cho các tổ chức hợp tác khu vực, cũng như đóng góp to lớn vào việc tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới và xây dựng cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại.  

Đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sau khi kết nạp thêm thành viên mới là Iran hồi giữa tháng này. Được thành lập từ năm 2001, các lĩnh vực hợp tác của SCO ngày càng mở rộng, cả về an ninh, quân sự và kinh tế. SCO chiếm tới hơn 43% dân số toàn cầu và 60% diện tích lãnh thổ của hai châu lục Á - Âu. Với việc kết nạp Iran làm thành viên chính thức và trao quy chế đối tác đối thoại cho một số nước ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, giới quan sát cho rằng SCO dường như đang muốn tìm kiếm vai trò lớn hơn ở khu vực vốn được coi là “chảo lửa” của thế giới hiện nay, trong khi tìm cách duy trì ảnh hưởng ở Trung Á. Belarus cũng đã gửi đơn xin gia nhập, trong khi Ai Cập nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia.

Giáo sư Giles Scott-Smith tại Hà Lan nhận định: “SCO được thành lập vào năm 2001 và bắt đầu mở rộng thành viên đầu tiên vào năm 2015. Ban đầu, là một động thái nhằm đảm bảo biên giới và chống lại chủ nghĩa cực đoan ở Trung Á hậu Xô Viết, tổ chức này đã phát triển thành một nền tảng quan trọng cho hợp tác khu vực, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, những thách thức mà SCO phải đối mặt vẫn không thay đổi. Đó là phát triển sự tham gia của tổ chức này trong các lĩnh vực chính sách mới ngoài chống khủng bố và an ninh, cũng như định hình như một tổ chức quốc tế thống nhất có thể tạo điều kiện thuận lợi và điều phối hoạt động của các thành viên trong bối cảnh ngoại giao toàn cầu”.

Nhiều nhận định cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc và Nga, 2 trụ cột chính của SCO - cùng với “tân binh” Iran sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác của liên minh nhằm hình thành một cực đối trọng với phương Tây.

Trong một phát biểu hồi tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cần trở thành một trong những thành tố cốt lõi của trật tự thế giới mới công bằng hơn. Ông nhấn mạnh việc củng cố toàn diện SCO là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga và nước này cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp nối phương hướng thống nhất về mở rộng SCO.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đang có tác động sâu sắc đến trật tự toàn cầu. Vì thế, việc tìm kiếm mở rộng phạm vi ảnh hưởng hay thậm chí là duy trì ảnh hưởng tới những khu vực được xem là “sân sau” của một số nước sẽ không hề đơn giản. Các nước đầu tàu của SCO như Nga, Trung Quốc và các thành viên, đối tác mới của SCO chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa cho sứ mệnh mới này. SCO gồm 9 quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Iran./.

Nga và Iran tăng cường hợp tác song phương

VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm Iran, Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Iran E.Raisi. Hai bên đã đồng ý về các dự án chung giữa Nga và Iran, cũng như đẩy mạnh các thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.