Nỗ lực của Iran trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được sự chấp thuận của gần 15 trong số 17 thành viên khối này vào ngày 17/9. Sau khi kết thúc quá trình kỹ thuật và pháp lý kéo dài nhiều năm, Iran đã chính thức gia nhập tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về diện tích địa lý và dân số, có kim ngạch xuất khẩu đạt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, với sự góp mặt của các nước thành viên lớn như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cùng nhiều quốc gia Trung Á.
Toan tính của Iran
Đối với Iran, việc trở thành thành viên của SCO là chiến thắng lớn về mặt ngoại giao. Đối với SCO, điều đó không chỉ củng cố khối liên kết an ninh lớn nhất lục địa Á - Âu mà còn giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của tổ chức này trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Trở về nước sau khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 của SCO được tổ chức tại Dushanbe, Tajikistan, Tổng thống Iran Ebrahim Raisituyên bố: “Đây là một thành công ngoại giao” giúp kết nối Iran với cơ sở hạ tầng kinh tế và các nguồn tài nguyên to lớn của châu Á. Trong bài phát biểu tại hội nghị kéo dài 2 ngày, ông Raisi chỉ trích “chủ nghĩa đơn phương” của Mỹ và kêu gọi các nỗ lực hợp tác nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt.
Tổng thống Raisi đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương cấp cao bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO và nhiều hoạt động khác. Trong số này có việc ký kết 8 thỏa thuận với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên đến 500 triệu USD mỗi năm, cao hơn gấp 10 lần so với mức hiện tại.
Theo giới phân tích, thay vì đạt được lợi ích chính trị hoặc kinh tế lớn, mục tiêu chính của Iran trong ngắn hạn có thể chỉ giới hạn ở việc thúc đẩy uy tín và ngoại giao.
Giáo sư Hamid Reza Azizi, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP) cho rằng, vấn đề chính trong cách tiếp cận của Iran đối với SCO nằm ở việc, nước này coi đây như “một tập hợp các cường quốc không phải phương Tây” và nhìn nhận theo quan điểm chống Mỹ hoặc chống phương Tây.
“Cách tiếp cận của Iran được đưa ra bất chấp thực tế là các nước như Ấn Độ hay Pakistan được coi như đối tác thân thiết của Mỹ, thậm chí ngay cả Nga và Trung Quốc cũng chưa từng công khai thách thức Mỹ trên trường quốc tế”, ông Hamid Reza Azizi nhận định.
“Sự kết hợp của nhận định này, cùng việc Iran tự cho mình là cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực Tây Á, sẽ khiến các nhà lãnh đạo Iran rơi vào thế khó khi nước này bắt tay với các nước chống phương Tây khác thành lập một liên minh mạnh mẽ để thách thức Mỹ”.
Chuyên gia này lưu ý, các thành viên của SCO không muốn vướng vào các cuộc cạnh tranh của Iran, đó có thể là lý do tại hội nghị thương đỉnh, họ thừa nhận Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập là "đối tác đối thoại" trong một nỗ lực cân bằng các mối quan hệ.
Xét về quan điểm ngoại giao, việc trở thành thành viên của SCO sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Iran. Quốc gia này đã là “quan sát viên” kể từ năm 2005. Tháng 8 vừa qua, giám đốc an ninh của Iran Ali Shamkhani thông báo trên Twitter rằng, “những trở ngại chính trị” đối với tư cách thành viên đầy đủ đã bị loại bỏ.
Không chỉ thông báo bằng tiếng Farsi, ông cũng sử dụng tiếng Anh, tiếng Arab và tiếng Do Thái, nhằm gửi thông điệp cho khu vực và phương Tây.
Trước đó, hồ sơ ứng cử của Iran đã bị ngăn cản vì nước này đang phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, một số thành viên như Tajikistan cũng lên tiếng phản đối do nghi ngờ Tehran ủng hộ Phong trào Hồi giáo cực đoan tại Tajikistan.
Có thêm đòn bẩy mới
Abas Aslani, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông ở Tehran nhận xét, sự kiện nói trên đánh dấu lần đầu tiên Iran trở thành thành viên chính thức của một tổ chức lớn kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
“Iran đang phải chịu các lệnh trừng phạt đơn phương. Bước đi nói trên cho thấy SCO không công nhận các lệnh trừng phạt đó là lệnh trừng phạt quốc tế và đây là lý do tại sao họ chấp nhận tư cách thành viên đầy đủ của Iran”.
Theo ông Abas Aslani, Iran đang chú ý đến các lợi ích chính trị và kinh tế, đặc biệt là với Trung Quốc – quốc gia mà Tehran đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện vào tháng 3/2021, còn với Nga, nước này đang tìm cách mở rộng thỏa thuận hợp tác đã có từ trước.
“Bên cạnh đó, Iran có thể tiếp cận đáng kể với khu vực Trung Á, coi đây là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn. Nhưng chỉ có thời gian mới cho thấy Tehran có thể hiện thực hóa được bao nhiêu tiềm năng trong số này”.
Chuyên gia Abas Aslani lưu ý, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể trở thành rào cản đối với Iran trên con đường khai thác những lợi ích mà việc gia nhập SCO mang lại, song sẽ không thể cản trở sự phát triển kinh tế của Iran trong khuôn khổ SCO.
Iran và nhóm P5+1 đã tiến hành 6 vòng đàm phán tại Vienna, Áo để khôi phục thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015. Nếu các cuộc đàm phán thành công, biện pháp trừng phạt Iran có thể được dỡ bỏ. Tiến trình này đã bị tạm dừng vào cuối tháng 7/2021 để Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thành lập chính phủ mới, và dự kiến sẽ sớm được nối lại.
“Nếu thỏa thuận hạt nhân được hồi sinh thì đây mới chỉ là một lợi thế. Lợi thế khác là sự phát triển trong quan hệ giữa Iran với phương Đông và điều này vẫn diễn ra bất kể các cuộc đàm phán với phương Tây có thành công hay không”, ông Aslani nói.
SCO được thành lập từ năm 2001 với các thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, có mục đích chủ yếu là hợp tác về an ninh và quân sự.
Trải qua 2 thập kỷ phát triển, nhất là khi kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan năm 2017, các lĩnh vực hợp tác trong tổ chức này ngày càng được mở rộng. SCO hoạt động dựa trên sự đồng thuận của các nước thành viên, là nơi để các quan chức cấp cao trong khu vực có thể hội họp, trao đổi và thảo luận, không có nhiều ràng buộc chặt chẽ như EU hoặc NATO.
Nicole Grajewski, thành viên nghiên cứu của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer cho biết: “Trục Nga-Trung Quốc-Iran không có những cam kết được chính thức hóa giống như một liên minh và SCO chắc chắn sẽ không cung cấp thể chế cho một liên minh như vậy”.
Việc trở thành thành viên chính thức SCO sẽ giúp Iran có sự gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực nhưng đây cũng là điều mà Tehran đã có với tư cách là thành viên quan sát.
Bà cho biết, khối lượng giao dịch và sự trao đổi tiền tệ của Iran, Nga và Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn ngay cả khi 3 bên thảo luận chống lại sự thống trị của đồng USD. Theo nhà phân tích này, SCO chủ yếu là một tổ chức địa chính trị và an ninh với cơ sở hạ tầng hạn chế, theo đuổi sự hội nhập về kinh tế. Mặc dù lợi ích kinh tế trực tiếp mà SCO mang lại rất nhỏ nhưng các nước thành viên có thể theo đuổi những thỏa thuận song phương nhiều tiềm năng./.