Ngày 4/10, các thợ lặn Italy tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân bị mắc kẹt trong con tàu chở người nhập cư châu Phi bị đắm ở ngoài khơi đảo Sicily.
article-2439311-1866a53400000578-972_634x436-18c85.jpg
Cảnh sát Italy bên những thi thể nạn nhân trên con tàu đắm (Ảnh: EPA).
Tới nay các nhóm cứu hộ đã tìm thấy 111 thi thể nạn nhân và cố gắng tìm kiếm khoảng 100 người khác trong con tàu bị đắm cách bờ biển đảo Lampedusa của Italy chưa đầy 1 km. 155 người đã được cứu sống. Sóng lớn đang cản trở công tác cứu hộ và hy vọng tìm thêm người sóng sót ngày càng mong manh.

Con tàu chở chủ yếu là người Eritrea, Somalia bị đắm vào sáng sớm 3/10 sau khi nhiên liệu trên tàu bắt lửa, khiến toàn bộ người nhập cư hoảng loạn chạy về một bên tàu, khiến tàu bị lật.  

Lampedusa, đảo du lịch và đánh cá nhỏ của Italy (nằm ở đoạn giữa đảo Sicilia và Tunisia), đã trở thành điểm chuyển tiếp đầu tiên của người di cư đến từ nhiều nước châu Phi, Trung Đông và châu Á tìm đến các nước châu Âu. Họ sử dụng phương tiện là nhưng con tàu quá tải, cũ nát. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn, năm ngoái, gần 500 người đã bị thiệt mạng hoặc bị thương trong những chuyến vượt biển nguy hiểm từ Tunisia đến Italy.

Thảm kịch đắm tàu vừa qua một lần nữa khiến Italy phải gây sức ép yêu cầu Liên minh châu Âu giúp đỡ chống lại cuộc khủng hoảng di dân kéo dài hàng chục năm qua tại  Địa Trung Hải. 
Thủ tướng Italy Enrico Letta kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng châu Âu để nhất trí thành lập các “hành lang nhân đạo đặc biệt” bảo vệ các tàu di dân. Vụ việc cũng dấy lên tranh cãi chính trị khi đảng Liên đoàn miền Bắc (Northern League) có quan điểm chống nhập cư kêu gọi Bộ trưởng phụ trách vấn đề Di trú và Hội nhập Cecile Kyenge từ chức. Đảng này cho rằng, việc Bộ trưởng Kyenge kêu gọi giúp người nhập cư hội nhập tốt hơn vào xã hội (trong đó có đề xuất sửa đổi luật công dân) đã phát đi “tín hiệu nguy hiểm” cho những người muốn nhập cư trái phép vào Italy hoặc các nước châu Âu khác./.