Trả lời phỏng vấn đài phát thanh quân đội Israel, Bộ trưởng Năng lượng Yuval Steinitz không xác nhận chi tiết các cuộc tiếp xúc này khi được hỏi tại sao Israel lại bí mật quan hệ với Saudi Arabia.

israel_saudi_szza.jpg
Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Quốc vương Saudi Arabia Salman. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Steinitz cho rằng quan hệ giữa Israel với các nước Hồi giáo và Arab phần nào được giữ bí mật chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên.

“Tôi có thể giải thích rằng, chúng tôi có các mối quan hệ bí mật với nhiều nước Hồi giáo và Arab, và thông thường, là do phía bên kia muốn giữ bí mật. Với chúng tôi thì không có vấn đề gì, nhưng chúng tôi tôn trọng mong muốn của phía bên kia, khi mối quan hệ được phát triển, dù đó là với Saudi Arabia hay với các nước Arab, Hồi giáo khác, nhưng chúng tôi giữ bí mật”, ông Steinitz nói.

Dù đây là lần đầu tiên được một quan chức cấp cao thừa nhận, nhưng mối quan hệ bí mật giữa Israel và các nước Arab đã từng được đề cập đến trước đây.

Trong một tuyên bố công khai hồi tháng 9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng từng nói đến mối quan hệ bí mật với các nước Arab, dù không nêu tên cụ thể, rằng hợp tác tồn tại theo “nhiều cách và nhiều cấp độ khác nhau”.

Cũng trong tháng 9, Đài phát thanh quân đội Israel và một số hãng truyền thông của Saudi Arabia nói rằng, tân Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có cuộc gặp bí mật với giới chức Israel trong suốt 2 năm, dù phía Saudi Arabia sau đó đã chính thức phủ nhận thông tin này.

Ngày 16/11, Tham mưu trưởng Quân đội Israel, Trung tướng Gadi Eisenkot tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với Saudi Arabia để đối phó với kế hoạch kiểm soát Trung Đông của Iran.

Trả lời phỏng vấn mạng tin Elaph của Saudi Arabia, ông Eisenkot nhấn mạnh, Israel sẵn sàng chia sẻ thông tin với Saudi Arabia nếu cần thiết, đồng thời khẳng định giữa hai nước có nhiều lợi ích chung. Quân đội Israel đã xác nhận nội dung của cuộc phỏng vấn.

Chính quyền Saudi Arabia hiện chưa phản ứng đối với tuyên bố của Bộ trưởng năng lượng Israel Yuval Steinitz. Về mặt chính thức, Saudi Arabia khẳng định việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel sẽ phụ thuộc vào việc nước này rút quân khỏi các vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 16/11, khi được hỏi về các thông tin liên quan đến việc hợp tác với Israel, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir nói rằng, sáng kiến hòa bình Arab, được Liên đoàn Arab (AL) thông qua lần đầu tiên vào năm 2002, là chìa khóa để thúc đẩy bất cứ mối quan hệ nào.

Theo ông Jubeir, nếu cuộc xung đột giữa Israel và Palextin được giải quyết dựa trên sáng kiến hòa bình Arab thì Israel sẽ có một mối quan hệ bình thường về ngoại giao, kinh tế, chính trị với tất cả các nước Arab và cho đến khi điều đó xảy ra, Saudi Arabia sẽ không có bất cứ mối quan hệ nào với Israel.

Hiện cả Saudi Arabia và Israel đều coi Iran là mối đe dọa chính ở khu vực Trung Đông. Căng thẳng ngày càng gia tăng hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia cũng làm dấy lên càng nhiều đồn đoán rằng lợi ích chung có thể đẩy Saudi Arabia và Israel “bắt tay” hợp tác cùng nhau.

Ông Hussein Ibish, học giả thuộc Viện các nước vùng vịnh Arab tại Washington, Mỹ nói rằng, tuyên bố của ông Steinitz không gây bất ngờ cho những ai quan tâm đến việc “bắt đầu tìm hiểu” giữa Israel và Saudi Arabia, nhất là khi động thái này được thúc đẩy từ phía Israel.

Theo ông Ibish, nếu Israel và các nước vùng Vịnh Arab nhận thức được các mối đe dọa chung, thì chưa chắc các “mối quan hệ bí mật” này sẽ không phát triển.

Tuy nhiên, ông nói rằng, giới chức Israel có xu hướng phóng đại những mối tương tác như thế này nhằm hạ thấp cái giá mà họ có thể phải trả, đặc biệt là trong vấn đề Palestin, khi muốn mở rộng các mối quan hệ chiến lược và quan hệ với các nước Arab./.