Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/12 tuyên bố như trên và nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong cuộc đàm phán mới được khởi động lại với Palestine sẽ dẫn đến một nền “hòa bình lạnh” tại Trung Đông.

Những lời lẽ thận trọng của ông Netanyahu được phát trên video gửi tới diễn đàn của viện Brookings tại Washington một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra những dự đoán đầy lạc quan rằng một bộ khung về thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ sớm đạt được trong vòng vài tháng.

netanyahu_copy.jpg
Thủ tướng Netanyahu tại phiên họp nội các Israel ngày 8/12 (Ảnh AP)

Tháng 7 năm nay, Chính quyền của ông Obama đã đề xuất một tiến trình 9 tháng đầy tham vọng để giải quyết triệt để xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa hai quốc gia Trung Đông trên. Tuy nhiên các bên mới chỉ đồng ý tham gia đàm phán sau sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ. Cả hai nước này đã thực hiện rất nhiều cuộc họp kín nhưng chẳng đi đến một kết quả cụ thể nào.

Phía Palestine đã buộc tội Israel có âm mưu xấu trong khi vừa đàm phán vừa tiếp tục xây dựng các khu định cư tại các vùng mà họ hi vọng là sẽ trở thành đất đai của nhà nước Palestine trong tương lai. Israel phản pháo rằng Palestine mới là phía gây cản trở tiến trình hòa bình bởi nước này đã liên tục không công nhận nhà nước Do Thái Israel.

“Đây không phải là yêu cầu gì to tát. Đây là một yêu cầu tối thiểu để có thể tạo lập hòa bình. Tuy nhiên đây không phải là yêu cầu duy nhất. Tôi không muốn tự lừa dối mình. Tôi cho rằng bất kỳ nền hòa bình nào giữa Israel và Palestine nếu có cũng chỉ là “hòa bình lạnh” và nền hòa bình này còn phải chống chịu sự phá hoại của các nhóm khủng bố, các nhóm cực đoan và nhiều nhóm khác được Iran hậu thuẫn”, ông Netanyahu khẳng định.

Israel đã tiến hành một vài cuộc đàm phán hòa bình với Palestine trong vài thập kỷ qua và không đạt được kết quả khả quan, trong khi họ đã sớm đạt được thỏa thuận với 2 nước Arab láng giềng là Jordan và Ai Cập. Thỏa thuận đạt được với Ai Cập thường được coi là “lạnh” bởi ngoài việc hai nước không có chiến tranh thì cả hai nước không hề nỗ lực để làm nồng ấm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Để đáp lại mối lo ngại của Israel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuần trước đã đến Trung Đông cùng với cố vấn an ninh của ông, Tướng John Allen, để đưa ra đề xuất nhằm đảm bảo an ninh của Israel theo một thỏa thuận hòa bình.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng một nhóm các chuyên gia đang làm việc với ông Allen về đề xuất này, bao gồm việc Israel được phép tiếp tục hiện diện tại Bờ Tây sau khi thảo thuận hòa bình được ký theo đúng yêu cầu quan trọng nhất mà ông Netanyahu đưa ra.

Palestine mong muốn toàn bộ khu Bờ Tây, đông Jerusalem và dải Gaza và các khu vực do Israel chiếm đóng vào năm 1967 để thành lập nhà nước độc lập của mình.

Tuy nhiên, ông Netanyahu đã từ chối việc giao trả lại toàn bộ những vùng đất của Israel trước năm 1976, ông cũng nói rằng ông muốn được quyền kiềm soát phần lớn Bờ Tây và tất cả khu vực phía Đông Jerusalem. Ông cũng nói thêm rằng vấn đề cốt lõi không phải là việc tranh chấp đất đai mà là việc Palestine từ chối công nhận những mối liên hệ của người Do Thái đối với vùng đất này./.