Bộ trưởng Tài chính Israel Yair Lapid, người đứng đầu đảng lớn thứ 2 trong liên minh chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, ngày 3/12 đã đưa ra khuyến nghị như trên và nhấn mạnh rằng việc quá cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Iran sẽ không có lợi gì cho Israel.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải mềm mỏng với người Mỹ, việc chúng ta đối đầu với họ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cũng như không đem đến kết quả thuận lợi cho mục tiêu cuối cùng của Israel”, ông Lapid tuyên bố.

netan_copy.jpg
Sự mạnh miệng của Thủ tướng Netanyahu có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ Israel-Mỹ (Ảnh Reuters)

Mối quan hệ giữa Israel và Mỹ đang xấu dần đi trong vài tháng qua sau khi ông Netanyahu công khai chỉ trích Tổng thống Obama đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran giúp Iran tiếp tục chương trình hạt nhân của mình trong khi tránh được sự trừng phạt của quốc tế.

Một vài nhà phân tích cho rằng, quan hệ Israel-Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua và có thể ảnh hưởng xấu đến nhà nước Do Thái vốn dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ cả về quân sự và ngoại giao của Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng đang tìm cách xoa dịu đồng minh Israel của mình và cho biết họ sẽ sớm thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện với Iran trong các vòng đàm phán tiếp theo. Các quan chức này cũng nhắc lại cam kết trước đây rằng Washington sẽ không để cho Tehran có thể sản xuất bom hạt nhân.

Bộ trưởng Lapid cho rằng thỏa thuận đạt được giữa Iran và Mỹ là không tốt vì nó giúp Iran né được những lệnh cấm vận về kinh tế, tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng ông Netanyahu không nên quá công khai thể hiện sự thất vọng của mình.

Israel lo ngại rằng Iran có thể đang cố gắng phát triển bom hạt nhân, một điều mà Iran đang ra sức phủ nhận. Israel cũng đã đe dọa tấn công nhà nước Hồi giáo này nếu Israel nhận thấy các biện pháp ngoại giao và cấm vận không thể giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Một cuộc thăm dò dư luận ngày 2/12 do Đại học Tel Aviv và Viện Dân chủ Israel về Hòa Bình cho biết có 77% người Israel không tin rằng thỏa thuận P5+1 với Iran sẽ dẫn đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó 71% người Israel cho rằng Mỹ là đồng minh thân cận nhất của mình trong khi 49% cho rằng Israel cần phải tìm kiếm đối tác mới để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Israel để tiếp tục đàm phán với Israel về vấn đề Iran cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Trước đó, ngày 8/11, ông Kerry và Thủ tướng Israel Netanyahu đã có một cuộc tranh luận riêng rất căng thẳng. Rất ít khả năng cuộc thảo luận lần này giữa họ diễn ra trong không khí cởi mở.

Nhật báo Hyom của Israel đã dẫn lời một quan chức giấu tên nước này phản bác quan điểm của Mỹ và bảo vệ quan điểm của Thủ tướng Israel Netanyahu, ông này còn so sánh tình hình hiện nay với những năm 30 của thế kỷ trước, khi những người Do Thái được cảnh báo về những nguy cơ đe dọa họ của phát xít Đức.

“75 năm trước, khi mà nhà nước Israel chưa thành lập, những người Do Thái đã cố gắng đàm phán kín với Tổng thống Mỹ Roosevelt về vấn đề này nhưng điều đó cũng không giúp gì cho những người Do Thái ở châu Âu”, quan chức này cho biết./.