Tình hình đang diễn ra đúng như các tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, rằng “mọi thứ mới chỉ bắt đầu” và chiến dịch tấn công “sẽ còn kéo dài” – điều đang khiến cả thế giới quan ngại.
Dù kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine, cũng như không ủng hộ việc chiếm đóng; song Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cho biết: “Israel có quyền tự vệ khi có tới hàng nghìn tên lửa bay vào lãnh thổ của họ”.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi đã rất rõ ràng rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel phải kết thúc”.
Hai tuyên bố từ một đồng minh lớn cùng nhiều tuyên bố tương tự từ các nước phương Tây, được xem là tín hiệu “đèn xanh”, để Israel đêm 13/5 mạnh dạn sử dụng thêm bộ binh, để nã đạn pháo từ biên giới vào dải đất Gaza, cũng như gia tăng các cuộc không kích “không thương tiếc” vào các cứ điểm của Hamas hơn các ngày trước đó. Tuy nhiên, bộ binh Israel vẫn chưa đổ bộ vào bên trong dải Gaza.
Thực tế, dù chia rẽ về chính trị, song nhiều quan chức Israel hôm qua (13/5) đều đồng tình rằng Hamas phải bị giáng 1 đòn “răn đe” cứng rắn nhất.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh, cuộc tấn công của Israel vào Ha-mnát sẽ còn kéo dài, khi ông tới thăm và động viên binh sĩ quân đội: “Chúng ta vừa phòng thủ, vừa tấn công. Các mục tiêu tấn công của chúng ta sẽ sớm vượt qua con số 1.000. Chúng ta sẽ tiếp tục tấn công Hamas và điều này sẽ còn kéo dài. Với việc tấn công và phòng thủ một cách vững vàng, chúng ta sẽ mang lại bình yên cho đất nước Israel.”
Tuy nhiên, bình yên chưa thấy…. Nhưng những hình ảnh về bầu trời Israel luôn rực sáng trong nhiều đêm bởi những loạt tấn công rocket từ Gaza kết hợp với các màn đánh chặn từ hệ thống phòng không Vòm Sắt, đã phủ khắp các trang báo quốc tế lớn…. Từ Gaza, những tiếng nổ sầm sau các vụ Israel không kích đánh sập các tòa nhà lớn được cho là của Hamas cũng khiến người dân nơi đây hoang mang khi nhìn vào những đống đổ nát kinh hoàng và những cái chết thương tâm sau đó.
Theo ghi nhận từ giới chức y tế Gaza, đến nay đã có 109 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel; trong đó có 29 trẻ em. Đặc biệt, trong số này có 1 Tư lệnh lữ đoàn thành phố Gaza của Hamas. Phía Israel cũng xác nhận 7 công dân nước này đã thiệt mạng.
Trước những diễn biến leo thang căng thẳng chưa từng có kể từ năm 2014, người dân Gaza gần biên giới Israel cũng đã bắt đầu di tản. Thế giới đang gấp rút tìm cách hạ nhiệt tình hình. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp 2 lần trong tuần qua. Tuy nhiên, sự chia rẽ khiến các bên chưa đi đến một tuyên bố chung. Mỹ cũng phản đối 1 cuộc họp khác được đề xuất tổ chức công khai ngay trong ngày hôm nay và phải chờ thêm hai ngày nữa cuộc họp như vậy mới có thể diễn ra.
Bên ngoài các nỗ lực của Hội đồng Bảo an, các nước Ai Cập và Qatar cũng đang nỗ lực tìm kiếm 1 lệnh ngừng bắn cho Israel và các nhóm vũ trang Palestine. Mỹ cũng cử 1 quan chức ngoại giao tới khu vực để hạ nhiệt tình hình.
Trong khi, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã truyền tải thông điệp: “Tôi chắc chắn tất cả mọi người trên thế giới này đều muốn kết thúc chu kỳ trả đũa lẫn nhau. Chúng ta muốn giảm leo thang, muốn thấy cả hai bên ngồi xuống đối thoại và chấm dứt bạo lực. Điều này là hoàn toàn có thể.”.
Các nước Arab vẫn luôn lên án các hành vi của Israel và bày tỏ ủng hộ và sát cánh cùng người dân Palestine về cuộc đấu tranh chống lại sự chiếm đóng. Tại một số nước, bao gồm cả Mỹ, hiện đã diễn ra các cuộc tuần hành quy mô ủng hộ quyền được sống tại nơi họ được sinh ra cho người Palestine./.