TheoWashington Post, để đáp trả, trên tài khoản Twitter của mình, IS đã công bố tài liệu hướng dẫn việc bắn hạ máy bay trực thăng này bằng hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). 

Trực thăng Apache được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1986 và đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Vũ khí chính được lắp đặt trên trực thăng này là pháo 30mm. Ngoài ra, trực thăng này có thể được gắn thêm nhiều loại tên lửa, bao gồm cả tên lửa đa nhiệm vụ Hellfire. 

apache_buou.jpgTrực thăng Apache sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia chiến đấu với IS (Ảnh AP)

Dường như IS đã hiểu rất rõ khả năng tác chiến của trực thăng Apache nên trong bản hướng dẫn của mình, IS nêu rõ phi công của trực thăng Apache và các tay súng trên trực thăng đều được bảo vệ rất tốt khỏi đạn pháo từ mặt đất. 

Theo sách hướng dẫn này, cách dễ nhất để hạ Apache là sử dụng các hệ thống MANPADS như hệ thống FIM-92 Stinger của Mỹ hay SA-16 hoặc SA-18 của Nga. 

Bản hướng dẫn này của IS được đăng tải lần đầu trên tạp chí IBTimes và sau đó được công bố đầy đủ trên trang web của phóng viên tờ New York Times C.J Chivers, cho thấy IS đang tiến hành rất hiệu quả các chiến dịch tuyên truyền của mình. 

Trong khi IS chưa hề sở hữa một hệ thống Stinger nào, chúng lại sở hữu cả hai hệ thống SA-16 và SA-18 dù với số lượng rất hạn chế. 

Trước đó, IS cũng đã cung cấp hình ảnh mà chúng tuyên bố là đã bắn hạ một trực thăng Mi-35 của quân đội Iraq ở phía Bắc Baghdad, sử dụng hệ thống MANPADS FN-6 của Trung Quốc vào tháng trước. 

Điều này khiến Mỹ không khỏi lo ngại vì chiếc Mi-35 dù do Nga chế tạo, có nhiều điểm tương đồng với trực thăng Apache, trong đó phải kể đến hệ thống phát hiện tên lửa và các biện pháp đối phó với tên lửa. 

Tuy việc IS sở hữu hệ thống MANPADS vẫn chưa được chính thức thừa nhận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 26/10 vẫn tuyên bố Chính phủ Mỹ đang xem xét việc này. 

“Do các cuộc giao tranh tại Iraq và Syria, những mối đe dọa đến hàng không tại hai quốc gia này là rất rõ rệt. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đặc biệt lo ngại về các loại vũ khí truyền thống và hiện đại như hệ thống MANPADS”, bà Psaki nói thêm. 

Trước đó, IS đã tuyên bố tiêu diệt một số máy bay tại cả Iraq và Syria, tuy nhiên, chỉ đến vài tháng gần đây nhóm này mới công bố những hình ảnh cho thấy chúng sở hữu những loại tên lửa hiện đại như FN-6. 

Tên lửa FN-6 có thể bắn trúng các mục tiêu bay ở độ cao khoảng 3,3km, trong khi tên lửa SA-18 có tầm bắn hiệu quả lên đến 5,4km và hoàn toàn có thể tiêu diệt các máy bay bay tầm thấp như trực thăng Apache hoặc máy bay vận tải C-130 hiện vẫn đang tiếp vận cho các chiến binh người Kurd và quân đội Iraq. 

Tuy nhiên, cả hai loại máy bay này đều được trang bị các hệ thống có thể tạm thời đẩy lùi những nguy cơ bị trúng đạn bởi các loại tên lửa tầm nhiệt nói trên. 

Ngoài ra, trong bản hướng dẫn của mình, IS còn chỉ rõ cách sử dụng hệ thống MANPADS ví dụ như những người phóng tên lửa cần phải lựa chọn kỹ lưỡng vị trí của mình để tránh tạo ra quá nhiều khói bụi khi tên lửa được phóng đi. 

Ngoài ra, người này chỉ nên dành từ  5-10 giây để nhắm bắn trực thăng để giảm thiểu khả năng trực thăng có thể phát hiện tên lửa đang tới gần. Nếu có thể, nên bắn hai tên lửa trong khoảng 10 giây để tăng khả năng bắn trúng mục tiêu. 

Việc bắn hai tên lửa cùng một lúc có thể tăng khả năng bắn hạ trực thăng nếu cả hai quả tên lửa cùng bắn trúng mục tiêu. Hơn thế nữa, việc bắn hai tên lửa ở hai vị trí khác nhau sẽ khiến phi công khó có thể tránh được tên lửa. 

Ngoài ra, bản hướng dẫn cũng vạch ra những điều mà phiến quân IS cần làm sau khi bắn hạ trực thăng như tiêu hủy những ống phóng đã sử dụng, điều một tay súng bắn tỉa đến để bắn hạ các phi công trên trực thăng bỏ trốn khi máy bay rơi và dự phòng từ 4-6 quả tên lửa để bắn các máy bay đến ứng cứu./.