Bộ trưởng Bộ y tế Ireland James Reilly vừa cho biết, Chính phủ Ireland đang chuẩn bị ban hành luật và các quy định mới về việc nạo phá thai. Theo đó, nạo phá thai chỉ được cho phép khi việc giữ lại bào thai thực sự đe dọa tính mạng của người mẹ.

Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp nội các của chính phủ Ireland ngày 17/12 vừa qua, sau khi có nhiều tranh cãi về cái chết của thai phụ Savita Halappanavar 31 tuổi, tử vong do bị từ chối phá thai trong trường hợp thai đã chết lưu. Trước đó, Tòa án về Nhân quyền Châu Âu cũng yêu cầu các nhà lập pháp Ireland phải chỉ ra rõ ràng trong các đạo luật về nạo phá thai, đồng thời cử một nhóm chuyên gia y tế đến Ireland để điều tra về vấn đề này. Việc ban hành đạo luật mới có thể mất vài tháng. Tuy nhiên, đây cũng là bước tiến lớn của Ireland trong việc giải quyết vấn đề nạo phá thai, vốn gây nhiều chia rẽ trong nội bộ chính phủ nước này. Những dự thảo luật nêu trên cũng phù hợp với phán quyết của Tòa án tối cao Ireland năm 1992, cho phép người phụ nữ nạo phá thai khi cuộc sống của họ bị đe dọa, bao gồm cả việc tự tử.

Quốc vụ khanh về Doanh nghiệp, Thương mại và Việc làm Ireland - Billy Kelleher - nói: “Chúng tôi không muốn can thiệp chính trị vào vấn đề nạo phá thai. Chính phủ cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm tròn bổn phận của mình. Nhưng nguyên tắc ở đây là phải có sự cân bằng giữa quyền sống của người mẹ và sự bảo vệ những bào thai”.

Ireland là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu ban hành đạo luật cấm nạo phá thai. Hiến pháp của Ireland chỉ cho phép loại bỏ thai nhi khi đã xác định được tính mạng của người mẹ "thực sự bị nguy hiểm nếu không can thiệp. Tuy nhiên, vấn đề "thực sự nguy hiểm tới tính mạng" thì chỉ có các bác sĩ là người quyết định./.