Mặc dù Chính phủ Iraq đã triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu trên khắp cả nước, song các vụ tấn công đẫm máu vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Tình trạng bạo lực leo thang hiện nay đang đặt Iraq trước nguy cơ tái diễn cuộc nội chiến giáo phái hồi năm 2006-2007 làm hàng nghìn người thiệt mạng và đưa quốc gia vùng Vịnh này đến bờ vực tan rã.

danh-bom-baghdad.jpg
Một vụ đánh bom ở Baghdad ngày 3/9 (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV)

Loạt vụ bạo lực mới nhất xảy ra ngày 3/9 tại thủ đô Baghdad và các khu vực lân cận đã làm ít nhất 60 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương trên khắp cả nước.

Những vụ tấn công này xảy ra gần như đồng thời tại những khu phố có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống ở thủ đô Baghdad. Vụ việc đẫm máu nhất xảy ra ở khu vực Talbiya, ngoại ô phía Bắc thủ đô Baghdad khi một quả bom phát nổ tại một khu phố đông người, làm 9 người thiệt mạng.

Các vụ tấn công xảy ra chỉ 6 ngày sau loạt vụ tấn công khác làm ít nhất 60 người thiệt mạng ở thủ đô Baghdad và khu vực ngoại ô. Chính phủ Iraq đã tăng cường lực lượng an ninh tại thủ đô nhằm ngăn chặn vòng xoáy bạo lực đang có nguy cơ đẩy đất nước tới bờ vực nội chiến này.

Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ bởi gốc rễ những căng thẳng hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Không ngày nào trên khắp đất nước Iraq không có máu đổ bởi hàng loạt các cuộc đánh bom liều chết. Bạo lực bắt nguồn từ sự thù hận giữa các giáo phái ngày càng bị khoét sâu bởi chính sách mà người Sunni cho là “phân biệt đối xử” của chính phủ người Hồi giáo dòng Shiite. Cùng với đó là vấn đề người Kurk, với những tranh chấp chưa có hồi kết về lãnh thổ và nguồn tài nguyên dầu mỏ. Tình trạng bạo lực kéo dài đang làm gia tăng tâm lý hoài nghi trong người dân.

Người dân ở thủ đô Baghdad nói: “Bạo lực diễn ra hầu  như hàng ngày, mà nạn nhân lại là dân thường vô tội, những người đang phải làm việc vất vả để kiếm sống”; “Các trạm kiểm soát được dựng lên ở khắp nơi, nhưng các vụ đánh bom vẫn xảy ra. Điều này cho thấy những nỗ lực của chính phủ là chưa đủ”.

Mười năm kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq, lật đổ chế độ Tổng thống Saddam Hussein, Iraq vẫn chưa có một ngày im tiếng súng. Sau khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn vào cuối năm 2011, đồng thời tuyên bố kết thúc cuộc chiến tại Iraq, quốc gia vùng Vịnh này vẫn hàng ngày phải đối mặt cuộc chiến chống al-Qaeda cũng như các vụ bạo lực sắc tộc, tôn giáo đẫm máu.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, trong tháng 8 vừa qua, đã có tới hơn 800 dân thường Iraq thiệt mạng và hơn 1/3 trong số những vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở thủ đô Baghdad. Và điều nguy hiểm hơn là những bất ổn tại Iraq và khu vực đang trở thành cơ hội cho các phần tử cực đoan tăng cường hoạt động./.