Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với lãnh đạo của phe đối lập Syria. Tuyên bố này được Ngoại trưởng Iran xác nhận, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo, tổ chức tại Cairo (Ai Cập), với sự tham dự của các phái đoàn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin lãnh đạo phe đối lập Syria, Moaz al-Khatib bày tỏ thái độ sẵn sàng nói chuyện với một trong những trợ lý của Tổng thống Assad.

Phát biểu với Hãng Thông tấn Nhà nước Ai Cập, MENA, Ngoại trưởng Iran, Salehi cho biết: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ Syria sẵn sàng đàm phán với phe đối lập. Đó không chỉ là điều cộng đồng quốc tế hay nhân dân Syria mong muốn, mà cả các bên trong cuộc. Hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là bàn về cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi đã thảo luận những giải pháp cho nó. Chúng tôi lạc quan về tương lai Syria. Cuối cùng, chính phủ và phe đối lập phải ngồi lại với nhau để đàm phán. Đó là giải pháp hợp lý nhất”.

Trước đó, lãnh đạo phe đối lập Syria, Moaz Al-Khatib, tuyên bố sẵn sàng đàm phán với một trong những trợ lý của Tổng thống al-Assad, nhằm tìm một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm, khiến hơn 60.000 người chết. Một trong những điều kiện mà phe đối lập yêu cầu là chính quyền Syria phải giải phóng tất cả phụ nữ ra khỏi các nhà tù, chậm nhất vào ngày 10/2, bằng không sẽ không có đàm phán.

Ông al-Khatib nói: “Đó là một cử chỉ thể hiện thiện chí. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại vào bàn đàm phán với chính quyền hiện hành bởi chúng tôi không muốn bàn tay đẫm thêm máu. Những gì mà mọi người cung cấp cho chúng tôi để giúp tạo lập sự công bằng đều được chào đón. Chúng tôi không muốn chiến tranh, cũng không cổ vũ chiến tranh. Nhân dân Syria muốn sống trong hòa bình vào lúc này”.  

Trong khi đó, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, Lakhdar Brahimi, kêu gọi một "quyết định rõ ràng" từ Hội đồng Bảo an LHQ về việc đặt lên bàn nghị sự một giải pháp hòa bình cho Syria. Ông Brahimi đánh giá về đề nghị đàm phán của ông al-Khatib: “Đây là một sáng kiến cá nhân tích cực của ông ấy, mặc dù có nhiều phản ứng khác nhau từ các thành viên trong nhóm của ông ấy. Nhưng đó cần phải được xem là một yếu tố tích cực và cần được cộng đồng quốc tế, các nước phương Tây, cũng như Nga và Iran ghi nhận. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là giải pháp chính trị cuối cùng và cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bên”.

Vào cuối tháng 1/2012, ông al-Khatib lần đầu tiên nói về việc sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán với đại diện chính quyền Syria. Điều kiện mà phe đối lập đưa ra khi đó là trả tự do cho 160.000 tù nhân.

Tuy nhiên, phản ứng trước động thái của ông al-Khatib, đại diện của liên minh quốc gia Syria khẳng định mọi cuộc đàm phán về tương lai chính trị của đất nước này đều phải có điều kiện tiên quyết là sự ra đi của Tổng thống al-Assad./.