Những động thái tích cực trong vấn đề hạt nhân Iran vừa nhen nhóm đã vội vụt tắt. Không lâu sau khi Iran và Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đạt được một giải pháp tạm thời kéo dài 3 tháng, nhằm cho phép cơ quan này thanh sát hạt nhân tại nước Cộng hòa hồi giáo, Iran tuyên bố đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cùng với tuyên bố đó, Iran cũng bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng quốc tế, đối với các cơ sở hạt nhân của nước này, dựa theo đạo luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” đã được Quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12/2020. Đạo luật được kích hoạt trong trường hợp Mỹ không gỡ bỏ trừng phạt đối với Iran. Về phần mình, Mỹ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn là giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho tới khi Iran tuân thủ mọi cam kết. Những động thái này đang khiến việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước nguy cơ khó lường.
Iran kích hoạt “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt”
Trong những ngày gần đây, Iran liên tục có các động thái cứng rắn liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này. Cụ thể, ngày 17/2, Iran đã gửi thông báo đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc tạm dừng các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất bên ngoài các địa điểm được công bố kể từ ngày 23/2.
Tiếp đó, ngày 22/2, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố, Tehran có thể làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 60% nếu nước này cần, vượt xa so với ngưỡng 3,67% được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Mới đây nhất, Iran đã bắt đầu sản xuất kim loại uranium được sử dụng trong chế tạo vũ khí hạt nhân và đình chỉ thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân theo một đạo luật được Quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12/2020. Mỹ và các đồng minh châu Âu (Pháp, Anh và Đức) đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại và hối thúc Iran chấm dứt mọi hành động làm giảm tính minh bạch của chương trình hạt nhân, đồng thời đảm bảo sự hợp tác đầy đủ và kịp thời với IAEA.
Việc Iran có những động thái cứng rắn thời gian qua có thể lý giải từ hai góc độ.
Thứ nhất là góc độ nội bộ, trong chính quyền Iran đang tồn tại hai phe phái đó là phe cải cách ôn hòa và phe bảo thủ cứng rắn. Phe cải cách ôn hòa đại diện là Tổng thống Hassan Rouhani chủ trương ký thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, đổi lại việc Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và tranh thủ mở cửa nền kinh tế, khôi phục phát triển đất nước.
Trong khi phe bảo thủ thần quyền bảo vệ quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ trước sức ép từ bên ngoài và không ủng hộ việc ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quốc hội Iran hiện do phe bảo thủ kiểm soát và được Đại giáo chủ Khamenei ủng hộ đang gia tăng sức ép ngày càng lớn buộc chính phủ của Tổng thống Rouhani phải đưa ra các biện pháp đáp trả cứng rắn. Điều này được thể hiện rõ hơn khi các nghị sỹ bảo thủ trong Quốc hội Iran ngày 22/2 đã bác bỏ thỏa thuận tạm thời mới đạt được trước đó giữa Chính phủ Iran và IAEA, đồng thời yêu cầu dừng thực thi hoàn toàn Nghị định thư bổ sung.
Thứ hai là về chiến lược ngoại giao, những động thái cứng rắn của Iran có thể nhằm gây sức ép với Mỹ để đạt được những mục tiêu có lợi nhất cho nước này khi quay lại bàn đàm phán. Những động thái này cũng phù hợp với diễn biến tình hình gần đây tại khu vực khi những lực lượng ủy nhiệm của Iran đang gia tăng các hoạt động nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh tại khu vực như Iraq, Yemen, Syria…
Tuy vậy, bên cạnh thái độ cứng rắn, Iran vẫn để ngỏ cánh cửa cho cơ hội đàm phán tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân khi tuyên bố việc giám sát của IAEA đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ chỉ giảm đi chứ chưa phải ngừng hẳn sau thời hạn ngày 23/2; đồng thời khẳng định việc Iran dừng các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất của Liên Hợp Quốc không có nghĩa nước này rời bỏ Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và chừng nào Mỹ tuân thủ trở lại Thỏa thuận, Iran cũng sẽ thực hiện điều này.
Khả năng Iran chống trả bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Tình báo Iran cảnh báo, áp lực cấm vận của phương Tây có thể thúc đẩy Tehran chống trả bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân. Có thể nói đây là một lời cảnh báo đầy cứng rắn và mang tính nhạy cảm của một quan chức Iran liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, tuyên bố trên chủ yếu mang tính răn đe, gây áp lực để tăng sức nặng cho các cuộc đàm phán nếu có trong tương lai giữa Iran và Mỹ.
Trước đó, các lãnh đạo cấp cao nhất của Iran đều khẳng định lập trường phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình và phủ nhận ý định sở hữu vũ khí hạt nhân. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã nêu rõ trong sắc lệnh tôn giáo mà ông ban hành rằng vũ khí hạt nhân là đi ngược lại luật Hồi giáo, Iran xem chúng là bị cấm về mặt tôn giáo và không theo đuổi phát triển chúng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cam kết “dứt khoát” rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này không sản xuất hoặc tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân mà chỉ phát triển các công nghệ hạt nhân hòa bình, với tư cách là một thành viên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và từng ký kết thỏa thuận bảo vệ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Thứ hai, Iran sẽ không mạo hiểm để phát triển vũ khí hạt nhân bởi sẽ hứng chịu những chỉ trích và cô lập của cộng đồng quốc tế và nguy cơ đối mặt với các đòn tấn công phủ đầu từ bên ngoài, đặc biệt là Israel, vốn coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này. Hơn nữa, trong bối cảnh diễn biến chính trị đang chuyển biến theo hướng có thể coi là có lợi cho Iran với việc ông Joe Biden, một người của đảng Dân chủ và cựu quan chức thời Tổng thống Obama trước đây lên nắm quyền và có quan điểm ôn hòa hơn, thì Iran sẽ có hy vọng thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt, đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống kinh tế nước này.
Yếu tố nào quyết định đến số phận của Thỏa thuận hạt nhân Iran?
Có thể khẳng định mặc dù chưa đạt được tiến triển cụ thể, song việc hai bên nhiều lần tuyên bố mong muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân là một dấu hiệu tích cực lớn, nếu so với giai đoạn căng thẳng trước đây sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận và tiến hành chính sách “gây áp lực tối đa” lên Iran, dẫn tới việc đóng sập các cánh cửa đối thoại và quan hệ song phương luôn trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”.
Sau khi ông Joe Biden tiếp nhận chuyển giao quyền lực, chính quyền Mỹ đã có một số động thái tích cực với Iran như hủy bỏ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York, đồng thời thể hiện quan điểm muốn tham gia trở lại Thỏa thuận hạt nhân quốc tế và chấp nhận lời đề nghị của các đồng minh châu Âu tham gia thảo luận về vấn đề này. Điều này cho thấy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết tâm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran bằng các biện pháp ngoại giao thay vì chính sách "gây áp lực tối đa".
Tuy nhiên, động thái của Mỹ là chưa đủ để thuyết phục Iran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân. Iran cho rằng Mỹ là nước đã vi phạm trước khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, vì thế nếu muốn Iran tuân thủ trở lại cam kết thì trước tiên Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Yêu cầu này khó được Mỹ chấp nhận khi nước này đã chính thức thông báo không có kế hoạch giảm nhẹ sự trừng phạt hay ban hành sắc lệnh quay trở lại thỏa thuận trước khi diễn ra các cuộc đàm phán với Iran và các đối tác khác.
Các động thái trên cho thấy cả Mỹ và Iran đều đang ở trong giai đoạn thăm dò phản ứng lẫn nhau. Đối với Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được sau hơn 10 năm đàm phán khó khăn, nhưng đã bị chính quyền Donald Trump thay đổi một cách mau chóng và gây ra những xáo trộn lớn. Do vậy, khi mới chính thức nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden sẽ thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan thỏa thuận này, nhất là khi các Nghị sỹ trong Đảng Cộng hòa đang gây áp lực để Mỹ không quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt lên Iran.
Do vậy, Mỹ đang có xu hướng nối lại cách tiếp cận đa phương trong vấn đề hạt nhân Iran khi tăng cường tham vấn các đồng minh châu Âu và phối hợp với IAEA. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng tính đến những thay đổi sâu sắc của cục diện khu vực thời gian qua và xem xét quan điểm của các đồng minh khu vực như Israel, Saudi Arabia hay UAE, những nước đã hoan nghênh việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân và thực hiện chính sách cứng rắn với Iran.
Mới đây, các quan chức ngoại giao Mỹ đã thông báo ý định đàm phán hướng tới củng cố và kéo dài Thỏa thuận, đồng thời giải quyết cả các mối đe dọa khác như chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hoạt động can dự gây bất ổn của Iran tại khu vực. Đối với Iran, nước này luôn phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân và sẽ khó có nhượng bộ trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh phe bảo thủ cứng rắn đang chiếm ưu thế tại Quốc hội và Iran đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống sau vài tháng nữa.
Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước châu Âu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các bên nối lại đàm phán. Trước đó, liên minh châu Âu đã đề xuất cuộc họp không chính thức giữa Iran với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân (P4+1), trong đó Mỹ sẽ tham gia với tư cách khách mời để khôi phục thỏa thuận sớm nhất. Hiện tại các bên vẫn đang chờ đợi tín hiệu phản hồi chính thức của Iran./.