Lời khẳng định đầy mạnh mẽ này đã được ông Hassan Rouhani đưa ra hôm 23/5 trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran chứng kiến nấc thang căng thẳng mới sau khi Mỹ triển khai thêm lực lượng quân sự đến Trung Đông nhằm đáp trả điều mà giới chức nước này mô tả là "mối đe dọa đến từ Iran" đối với binh sĩ và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Hình ảnh minh họa về thế đối đầu Mỹ-Iran hiện nay. Ảnh: 123RF. |
Trước sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ, Tổng thống Rouhani bày tỏ tin tưởng rằng người dân Iran sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến giành độc lập và sẽ không bao giờ khuất phục bất chấp những khó khăn trong cuộc sống.
Nhà lãnh đạo Iran cũng nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta lại một lần nữa bị tấn công. Trước đây, chủ yếu là do sức ép quân sự, các cuộc tấn công quân sự hay hành động gây hấn, xâm lược, thì ngày nay đó chính là chiến tranh kinh tế và tấn công vào lối sống, chất lượng cuộc sống của người dân".
Quan hệ sóng gió giữa Mỹ và Iran lại tiếp tục bị thử thách sau khi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngày 23/5 đã lên tiếng xác nhận việc Lầu Năm Góc đang cân nhắc triển khai thêm binh sĩ đến Trung Đông để tăng cường an ninh cho binh sĩ Mỹ tại đây. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ý định điều quân của Mỹ, cảnh báo Washington đang chơi một “trò chơi cực kỳ nguy hiểm”.
Dù giới chức cấp cao Iran nhiều lần nhấn mạnh nước Cộng hòa Hồi giáo này không muốn khơi mào một cuộc chiến với Mỹ, song khẳng định sẽ phản kháng đến cùng trước các sức ép nhằm vào nước này. Rõ ràng, dù ủng hộ quan điểm không muốn chiến tranh nổ ra, song những phát ngôn cứng rắn của giới chức Iran phần nào cho thấy rõ lập trường kiên định của quốc gia Hồi giáo này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Keyvan Khosravi vừa tuyên bố, Iran sẽ không đàm phán với Mỹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu lợi ích của nước này không được tôn trọng và con đường mà Iran theo đuổi sẽ không thay đổi.
Theo người phát ngôn này, Mỹ cần từ bỏ luận điệu khiêu khích và áp dụng các biện pháp thiết thực. Phía Iran cũng đã thể hiện rõ cho các phái đoàn ngoại giao quốc tế vốn đang tìm cách hóa giải bất đồng giữa Mỹ và Iran thấy rằng quan điểm của Tehran chống lại các sức ép từ Washington một cách “mạnh mẽ, hợp logic và bền bỉ”.
Những câu hỏi về nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran
Những tuyên bố đầy cứng rắn của Iran thậm chí còn được “hiện thực hóa” bằng hành động cụ thể khi quốc gia Hồi giáo này điều "Rồng lửa" S-300 vài tuần sau khi Mỹ triển khai nhóm tàu tấn công và phi đội máy bay ném bom tới Vịnh Ba Tư. Theo hãng tin Sputnik của Nga, đoạn video đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội cho thấy các phương tiện vận chuyển hệ thống phòng không S-300 và các thiết bị quân sự của Iran hướng về thành phố ven biển Asaluyeh nằm ở tỉnh miền Nam Bushehr – một khu vực ven biển Vịnh Ba Tư.
Mặc dù ngoài miệng cả Mỹ và Iran vẫn tuyên bố không muốn đối đầu quân sự giữa hai bên leo thang thành cuộc chiến, song những gì mà cả hai thể hiện thời gian lần đây, từ lời nói đến hành động đều khiến giới chuyên gia phân tích quân sự lo ngại về nguy cơ có thể bùng nổ một cuộc chiến bao trùm cả Trung Đông bất cứ lúc nào.
Giới chuyên gia khu vực nhận định Iran là một cường quốc khu vực không dễ bị khuất phục bởi các đòn chiến tranh kinh tế, điều này cộng thêm chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể châm ngòi “thùng thuốc súng” trực chờ phát nổ tại Trung Đông. Một khi đối đầu giữa Mỹ-Iran biến thành một cuộc chiến, thì hệ lụy là khôn lường, như Liên minh Nghị viện Arab vừa đưa ra cảnh báo về những hậu quả to lớn từ việc leo thang quân sự trong khu vực giữa lúc gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Người đứng đầu Liên minh Nghị viện Arab Atef Tarawneh hối thúc các nước Arab cần có lập trường thống nhất, vì leo thang quân sự sẽ tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định của toàn bộ khu vực Trung Đông, cũng như các nước Arab.
Những căng thẳng từ sức ép mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra với Iran còn được không ít các nhà phân tích chính trị đem ra so sánh với giai đoạn từng dẫn tới cuộc chiến mà Mỹ phát động tại Iraq hồi năm 2003. Với những diễn biến căng thẳng như hiện nay, thì cuộc chiến mà Mỹ có nguy cơ rơi vào với Iran cũng không phải ngoại lệ. Và mặc dù cả Mỹ và Iran đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, nhưng liên tiếp các cuộc khẩu chiến, cùng hành động không nhượng bộ lẫn nhau, thì theo giới chuyên gia, không loại trừ viễn cảnh cuộc chiến Mỹ- Iran bùng nổ thậm chí chỉ bằng một sự cố dựa trên tính toán sai lầm của mỗi bên khi quan hệ hai nước đang ở giai đoạn căng thẳng cao trào./.