Trong một bước đi đầu tiên nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc trên thế giới, Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã giao cho Bộ Ngoại giao nước này chỉ đạo các cuộc đàm phán. Iran tuyên bố “sẵn sàng” giải tỏa những quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Vòng đàm phán mới giữa Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ diễn ra vào ngày 27/9 tới và các nhà ngoại giao phương Tây coi đây là “phép thử” đầu tiên để Tổng thống Rowhani thực hiện những cam kết về cách tiếp cận linh hoạt và hòa giải trong chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

ngoai-truong-iran.jpg
Ngoại trưởng Iran Javad Jarif ngày 6/9 đã có cuộc điện đàm với Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton về việc nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân dân sự của Iran (Ảnh: Press TV)

Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi được Tổng thống Rowhani giao trọng trách chỉ đạo đàm phán hạt nhân với các cường quốc, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif  ngày 6/9 khẳng định, giải tỏa những lo ngại của quốc tế là mối quan tâm của chính phủ Iran, bởi vũ khí hạt nhân không nằm trong chính sách của quốc gia Hồi giáo này.

Là một nhân vật ôn hòa từng theo học ngành luật quốc tế tại Mỹ, ông Zarif được Tổng thống Rowhani tin tưởng đặt làm trung tâm trong cách tiếp cận mới đối với chương trình hạt nhân. Với kinh nghiệm của một cựu đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc giai đoạn những năm 2000, ông Zarif duy trì mối quan hệ khá tốt với các nhà ngoại giao nước ngoài cũng như với các chính trị gia Mỹ.

Các nghị sỹ Iran cũng có những đánh giá tích cực và đặt nhiều hy vọng vào tân Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran. Chủ tịch Ủy ban Chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Alaeddin Boroujerdi đánh giá Ngoại trưởng Zarif là một “nhà đàm phán chuyên nghiệp”, có thể “khéo léo” chỉ đạo các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Boroujerdi nhấn mạnh, “có thể tìm thấy ở ngoại trưởng Zarif những kinh nghiệm dày dạn và tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân”. Tuy nhiên, nghị sỹ Iran cũng cho rằng, các cuộc đàm phán liên quan chương trình hạt nhân của Iran phải bảo đảm lợi ích quốc gia và các quyết định được đưa ra phải thận trọng.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao phương Tây cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể sớm tổ chức các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Iran ngay trong tháng 9 này, sau khi Bộ Ngoại giao nước này đảm nhiệm vai trò chỉ đạo đàm phán.

Phát biểu với báo giới tại Lithuania ngày 6/9 trước cuộc họp của Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton cho biết: “Bộ Ngoại giao Iran sẽ phụ trách các cuộc đối thoại. Tôi nói với Ngoại trưởng Iran rằng tôi sẵn sàng cùng với ông thúc đẩy các cuộc đàm phán. Chúng tôi nhất trí sẽ sớm gặp nhau trong thời gian diễn ra khóa họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán”.

Bà Ashton cho biết, hiện các cường quốc tham gia đàm phán đã có những đề xuất và hy vọng sẽ lắng nghe những đề xuất từ phía Iran nhằm phá vỡ những bế tắc liên quan chương trình hạt nhân của Tehran.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết các cường quốc thế giới sẽ cố không gây áp lực đối với Iran tại cuộc họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra từ ngày 9 đến 13/9 tới nhằm tạo "cơ hội" để Tổng thống Iran Rowhani chứng tỏ rằng ông nghiêm túc trong việc làm giảm căng thẳng quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây nhấn mạnh rằng cần phải sớm đạt được những tiến bộ cụ thể trong các cuộc đàm phán, đồng thời cho rằng cuộc đàm phán ngày 27/9 tới giữa IAEA và Iran được coi là "phép thử" để xem liệu ông Rowhani có thực hiện những cam kết của mình.

Vòng đàm phán mới nhất giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức) và Iran tại Kazakhstan hồi tháng 4 vẫn chưa phá vỡ được bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, các nhà phân tích hy vọng có thể đạt được tiến bộ về chương trình hạt nhân của Iran dưới thời cầm quyền của tân Tổng thống Rowhani.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 3/8 vừa qua, ông Rowhani cam kết có lối tiếp cận minh bạch và hòa giải hơn trong chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo này./.