Theo thông tin mới nhất từ Iran, Ngoại trưởng nước này Javad Zarif vừa chính thức được cử dẫn đầu đoàn đại biểu Iran tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với các nước thuộc nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). 

Là một nhà ngoại giao kinh nghiệm, ông Javad Zarif được hy vọng sẽ có những bước đi linh hoạt có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong đàm phán hạt nhân giữa Iran với phương Tây. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề tồn tại sẽ là những thách thức không nhỏ đối với tân trưởng đoàn đàm phán hạt nhân này.

dam-phan-hat-nhan.jpg
Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 tại Almaty, Kazakhstan, ngày 5/4 (Ảnh: Press TV)

Được nhìn nhận như bước đi đầu tiên cho việc nối lại thương lượng với Mỹ và phương Tây, quyết định bổ nhiệm ông Javad Zarif giữ chức Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân đã cho thấy thành ý của Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani nhằm giảm bớt sự đối đầu đang tồn tại giữa các bên.

Kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Iran, ông Rowhani luôn khẳng định sẽ duy trì những nguyên tắc cơ bản trong chương trình hạt nhân Iran, nhưng sẽ có cách tiếp cận mới giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại. Ông Javad Zarif chính là bước đi đầu tiên. Ông là một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, từng là Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc. Ông Zarif cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước phương Tây sau khi được bổ nhiệm chức Ngoại trưởng Iran.

Về phía nhóm P5+1 cũng đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng đối thoại với Iran ngay trong tháng tới. Hiện ông Zarif đang trong quá trình lựa chọn các thành viên của nhóm đàm phán trước khi bắt đầu các cuộc đối thoại với nhóm P5+1.

Những diễn biến này cho thấy, dường như các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đang có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhìn lại chính những tuyên bố của tân Tổng thống Iran, bên cạnh thiện chí đàm phán, có thể thấy vẫn có một sự cứng rắn nhất định.

Tại cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi nhậm chức ngày 4/8, ông Rowhani tuyên bố rằng, Iran có thiện chí chính trị nghiêm túc để tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề, dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia và quyền lợi của người dân Iran. Tuy nhiên bên cạnh đó, ông Rowhani cũng giữ vững lập trường cho rằng, quyền phát triển hạt nhân của Iran không phải là một vấn đề nằm trong phạm vi đàm phán và nước Cộng hòa hồi giáo này sẽ không từ bỏ chương trình làm giàu urani mà nước này đang theo đuổi.

Ngay như tuyên bố mới đây của ông Ali Akbar Velayati, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei cũng cho biết, việc Iran ngừng làm giàu urani đã không mang lại lợi ích nào và Iran sẽ không lặp lại điều này. Bởi theo nhân vật này, Iran đã ngừng mọi hoạt động làm giàu urani trong 2 năm qua nhưng phương Tây vẫn tiếp tục chỉ trích Iran với những luận điệu cũ.

Rõ ràng ở đây, tân Tổng thống Iran Rowhani và cả Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Zarif đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Vì mấu chốt lúc này là việc phải làm sao để liên minh chống Iran của Mỹ và phương Tây gật đầu đồng ý cho chương trình làm giàu urani mở rộng của Iran mà không phải thỏa hiệp và nhượng bộ quá nhiều.

Tuy nhiên chắc chắn rằng, Mỹ và phương Tây khó có thể chấp nhận điều này. Dễ hiểu bởi từ việc trầm trọng hóa những hậu quả của chương trình hạt nhân Iran, Mỹ và các nước phương Tây đã có được những thương vụ bán vũ khí khổng lồ cũng như công nghệ hạt nhân cho các nước Arab giàu có, là những nước láng giềng luôn lo sợ mối đe dọa từ Iran.

Như thế, dù tân Tổng thống Iran đã cam kết tăng tính minh bạch của chương trình hạt nhân, chấp nhận hợp tác với cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên Hợp Quốc hay cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận và thanh tra các cơ sở hạt nhân, thì lập trường của phương Tây và Israel cũng sẽ khó lòng thay đổi.

Trong khi đó, bất kỳ sự nhượng bộ của Tổng thống Iran và ông Zarif trưởng đoàn đàm phán cũng sẽ khó lòng được Quốc hội Iran và những đại diện phe cứng rắn chấp thuận. Như vậy, vẫn còn quá sớm để hy vọng vào những chuyển biến bước ngoặt trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran khi ông Zarif nhận nhiệm vụ. Bởi đó sẽ còn là một con đường đầy khó khăn, khi vừa phải thực hiện những bước đi cứng rắn bên cạnh những chiến lược mềm, và phải phù hợp với lợi ích của tất cả các bên./.