Phát biểu trong cuộc gặp ngày 7/1 với Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan, Thiếu tướng Nasser Khan Janjua, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định, chính sách gây chia rẽ của Mỹ đối với các nước Hồi giáo, trong đó có Iran và Pakistan, đòi hỏi các nước tăng cường hợp tác bên cạnh việc duy trì cảnh giác và tiến hành những biện pháp phòng ngừa.

clipboard01_xiwz.jpg
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan Nasser Khan Janjua cho rằng, các nước Hồi giáo cần phải đề cao cảnh giác trước những âm mưu của nước ngoài khiến bất hòa giữa hai bên gia tăng.

Chính phủ Iran nhận định, làn sóng biểu tình nổ ra tại Iran bắt nguồn từ những vấn đề tồn tại ở trong nước cùng với sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và một số đồng minh thân cận của Washington. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, làn sóng biểu tình hiện nay ở Iran là biểu hiện của sự chia rẽ, bè phái và tranh giành lợi ích trong nội bộ nước này.

Trong khi đó, cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về làn sóng biểu tình bạo lực đang diễn ra tại Iran do Mỹ triệu tập không những không mang lại kết quả khả quan nào mà thậm chí còn khiến các nước thành viên bất đồng quan điểm.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp QuốcFrancois Delattre nhấn mạnh: “Các cuộc biểu tình tại Iran không gây nguy hại cho hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng ta cần phải cảnh giác trước các nỗ lực nhằm lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho lợi ích cá nhân".

Giới chức Nga thì lên tiếng phản đối cách phản ứng mà Mỹ đưa ra đối với các vấn đề nội bộ của Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov chỉ trích kịch liệt cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong đó Mỹ kêu gọi thảo luận về làn sóng biểu tình tại Iran.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia, cũng cáo buộc Mỹ đang lợi dụng Hội đồng Bảo an và cuộc họp trên nhằm phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran, một thỏa thuận mà chính quyền Mỹ đang muốn rút khỏi.

Một số thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, tình trạng bất ổn ở Iran nằm ngoài phạm vi can thiệp của cơ quan Liên Hợp Quốc này.

Cùng ngày, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Iran trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho biết cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ vì hành động được cho là kích động bạo loạn chống Chính phủ. 

Tình hình càng nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng khu vực Trung Đông khi Mỹ đang có những bước đi phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran có tên đầy đủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết vào năm 2015.

Một viễn cảnh không được trông đợi có thể xảy ra, nếu Iran không thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, Trung Đông nhiều khả năng sẽ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng thực sự./.