Iran và các cường quốc đang đứng trước những lựa chọn khó khăn để tiến tới một thỏa thuận lịch sử trước hạn chót vào ngày mai, chấm dứt hơn 12 năm bất đồng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của  Iran.
My doa co ke hoach B cho Iran neu dam phan hat nhan do vo hinh anh
Máy bay B-2 sẽ lượn trên các cơ sở hạt nhân Iran? (ảnh: Getty)

Bất chấp những nỗ lực gần 1 năm đàm phán, vào thời điểm cuối cùng trước giờ G, các cụm từ “ khác biệt lớn”,  “lựa chọn khó khăn” vẫn được sử dụng để đánh giá về các cuộc đàm phán đang diễn ra, khiến nhiều nhà ngoại giao cho rằng hạn chót 30 tháng 6 này sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ.

Đảm bảo đạt được một thỏa thuận lịch sử sẽ chấm dứt 12 năm bất đồng giữa Iran và phương Tây, mở ra cánh cửa giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên quốc gia Hồi giáo này.

Trong một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đang xấu đi kể từ khi một thỏa thuận khung đạt được vào tháng 4 vừa qua tại Lausanne Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm qua cho rằng, vẫn còn nhiều khác biệt trong một số lĩnh vực.

Các bên sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lí Bảo Đông tham gia đàm phán cũng bày tỏ lạc quan thận trọng về việc các bên sẽ đạt được vào thỏa thuận vào hạn chót.

Ông Lí Bảo Đông nói: “Có những bước tiến đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cần được giải quyết. Chúng tôi kêu gọi các bên thể hiện ý nguyện chính trị, sự linh hoạt, quan tâm đến mối lo ngại của nhau để đạt được nhận thức chung”.

Sự khác biệt chính hiện nay trong các cuộc đàm phán đó là tốc độ và thời gian dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, cơ chế giám sát để đảm bảo Iran không vi phạm bất cứ thỏa thuận  nào. 

Mỹ và châu Âu cũng muốn có một cơ chế khôi phục các biện pháp trừng phạt, nếu Iran vi phạm bất kì điểm nào trong một thỏa thuận tương lai. Ngoại trưởng Iran hôm qua đã về nước để tham vấn với các nhà lãnh đạo Iran và sẽ trở lại Viena ( Áo) vào hạn chót ngày mai để đưa ra những nỗ lực cuối cùng.

Trước những khác biệt chưa được thu hẹp vào phút chót, các nhà ngoại giao bắt đầu đề cập cách tiếp cận “ linh hoạt” hơn đó là kéo dài hạn chót. Mặc dù các quan chức ngoại giao không đưa ra dự đoán sẽ kéo dài các cuộc đối thoại thêm bao nhiêu ngày nữa, nhưng giới quan sát cho rằng các cuộc đàm phán nên hoàn thành trước mùng 9/7 tới.

Một phần trong thỏa thuận với quốc hội Mỹ đó là các nghị sĩ phải có 30 ngày để xem xét trước khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, kéo dài qua thời điểm này sẽ gấp đôi thời gian xem xét của quốc hội lên 60 ngày, là cơ hội để các bên vốn không ủng hộ đàm phán tại Iran và Mỹ đưa ra những bước đi ảnh hưởng đến thỏa thuận.

Israel hôm qua tiếp tục lên tiếng cảnh báo về cách tiếp cận tồi trong các cuộc đàm phán hạt nhân của các cường quốc với Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Giới hạn đỏ là do các cường quốc tự đặt ra và tuyên bố công khai. Tuy nhiên không có lí do gì để vội vã kí một thỏa thuận tồi với Iran. Vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Sau hơn 1 năm đàm phán căng thẳng, với những nỗ lực không mệt mỏi của các bên cùng nhiều hạn chót bị bỏ lỡ, cơ hội để đạt được một thỏa thuận lịch sử giữa Iran và các cường quốc đang gần hơn khi các bên đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân tại Lausanne vào tháng 4 vừa qua.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định, nếu đàm phán thất bại, tất cả các bên đều là người thua cuộc. Iran sẽ vẫn bị cô lập và sẽ xuất hiện một cuộc đua vũ trang mới trong khu vực, tạo ra những hậu quả khó lường. 

Cảnh báo khả năng đàm phán thất bại, một quan chức cấp cao Iran cho rằng, Tehran có thể tiếp tục làm giàu uranium với tốc độ nhanh hơn sau khi hoạt động này bị dừng lại gần đây để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán.

Chính vì vậy, theo Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách và an ninh đối ngoại Federica Mogherini, điều quan trọng hiện nay đó là ý nguyện chính trị và các nước phải đặt lợi ích an ninh thế giới lên hàng đầu./.