Ngày 10/10, Chính phủ Indonesia dừng tìm kiếm các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần và bắt đầu tập trung vào quá trình phục hồi, tái thiết ở tỉnh Trung Sulawesi.

Tính đến nay, số người thiệt mạng trong thảm họa lên tới hơn 2.000, hàng trăm người vẫn còn mất tích và hơn 10.600 người bị thương. Nhiều khu vực bị san phẳng hoàn toàn. Theo các chuyên gia, Indonesia sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để xây dựng lại hòn đảo xinh đẹp này.

indonesia_1_mhak.jpg
Lực lượng cứu hộ đưa một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát của một nhà hàng sau thảm họa thiên nhiên ở Indonesia (Ảnh: AFP)

Theo quy định của Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia thì các chiến dịch tìm kiếm chỉ thực hiện trong 7 ngày, nhưng đây là một thảm hoạ lớn nên họ đã kéo dài gấp đôi thời gian là 14 ngày. Tuy nhiên, việc ngừng tìm kiếm không có nghĩa là dừng các hoạt động cứu trợ mà các cơ quan chức năng Indonesia sẽ chuyển sang giai đoạn mới đó là sơ tán, ổn định nơi ở cho các nạn nhân đồng thời phục hồi thành phố sau thảm hoạ.

Hiện tại, hệ thống điện gần như đã được phục hồi, mạng viễn thông cũng đã thông suốt và các trạm bán nhiên liệu cũng đã được vận hành để chấm dứt tình trạng khan hiếm xăng dầu. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước vẫn là vấn đề nghiêm trọng bởi hệ thống này được thiết kế ngầm và đã bị phá huỷ hoàn toàn. Người dân tại thành phố đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng và nước chỉ được cung cấp nhỏ giọt qua các xe bồn. Các cơ quan cứu trợ cũng đã đưa các máy lọc nước tới để giải quyết nhu cầu trước mắt.

Về dịch vụ y tế, hiện khu vực này đã có 14 bệnh viện hoạt động. Ngoài ra, còn có 1 bệnh viện nổi và 1 bệnh viện dã chiến cũng được mở ở cảng Pantoloan. Khu vực Trung Sulawesi sẽ bắt đầu chuyển từ tình trạng ứng phó khẩn cấp để bước vào giai đoạn phục hồi và tái thiết với sự tham gia của nhiều cơ quan, Bộ, ngành Dự kiến sẽ phải mất 2 năm để thực hiện các kế hoạch này.

Dwi - một người dân địa phương nói: “Chúng tôi sẽ quay lại khi mọi thứ được chính phủ hỗ trợ và tái thiết, nhưng nếu cứ tình trạng như hiện tại thì không thể sống vì mọi thứ không còn gì cả. Tôi đã sống ở đây gần 50 năm rồi, nên tôi không muốn rời bỏ thành phố các con tôi thì không như vậy, chúng không muốn sống ở nơi mà đường xá, dịch vụ… không có. Chúng muốn chuyển tới thành phố lớn và an toàn hơn. Cuộc sống là như vậy mà vẫn phải tiếp tục, hy vọng mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại và tốt đẹp”. 

Sự nỗ lực tái thiết của Indonesia cộng với sự chung tay của cộng đồng quốc tế đã khiến thảm hoạ dịu đi phần nào. Theo nhận xét của một số chuyên gia, thảm kép đã xoá toàn bộ những gì mà thành phố Palu tích luỹ và phải mất khoảng 2 năm để có thể phục hồi lại toàn bộ cơ sở hạ tầng lại như cũ. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của chính phủ Indonesia và cũng từ chính những người dân ở vùng thảm hoạ./.