Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Indonesia  tiếp tục tăng lên. Chính phủ Indonesia đã đưa ra một loạt các biện pháp, trong đó có thực hiện "giãn cách xã hội" (social distance) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.

indo_1_rqyy.jpeg
Indonesia họp trực tuyến với các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế. (Ảnh: Kemlu).

Trước sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19, ngày 17/3, chính phủ Indonesia đã tổ chức họp trực tuyến với 100 Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Indonesia để thông báo các chính sách của đất nước trong việc xử lí dịch Covid-19 và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nước ngoài với chính phủ.

Tại buổi họp, phát ngôn viên chính phủ Indonesia đặc trách về Covid-19, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng Thứ trưởng tài chính Indonesia đã thông báo các chính sách của đất nước này cũng như giải đáp các câu hỏi của các ngoại giao đoàn và tổ chức quốc tế liên quan đến Covid-19.

Phát ngôn viên chính phủ Indonesia đặc trách về covid-19, ông Achmad Yurianto khẳng định Indonesia đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, đặc biệt là sau khi Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19 ra đời. Phát ngôn viên Achmad Yurianto cho biết, Indonesia đã chuẩn bị 360 bệnh viện về Covid-19, tối ưu hoá các bệnh viện tư nhân để tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh trong xã hội.

Theo điều luật số 24 năm 2007 về thảm hoạ thiên tai, trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ mọi công dân trước dịch bệnh, thiên tai, kể cả công dân nước ngoài. Do vậy, Indonesia cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và với các đại sứ quán để có chế độ chăm sóc cho các công dân nước ngoài mắc dịch tại Indonesia.

Bộ Y tế và Bộ ngoại giao Indonesia sẽ kết hợp chặt chẽ trong việc phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả liên lạc với các đại sứ quán và các cơ quan đại diện nước ngoài ở Indonesia. Bộ y tế Indonesia khẳng định quy trình kiểm dịch và chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia theo đúng chuẩn mực quốc tế do WHO đưa ra và theo lời khuyên của các chuyên gia sức khoẻ. 

Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Indonesia, ông Mahendra Siregar cho rằng, giãn cách xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Indonesia đã thông qua chính sách hạn chế sự tham gia của các đại biểu Indonesia vào các diễn đàn nước ngoài và các hoạt động quốc tế ở Indonesia. Các cuộc họp hiện nay của chính phủ Indonesia cũng đã bắt đầu được thực hiện theo hình thức họp trực tuyến.

Hơn 50% nhân cán bộ, nhân viên Bộ ngoại giao Indonesia đã làm việc tại nhà thông qua sự hỗ trợ của kĩ thuật số, đảm bảo duy trì kết nối, thông tin với các ngoại giao đoàn, các đối tác và các cơ quan đại diện Indonesia ở nước ngoài. Các cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Indonesia ở nước ngoài cũng được làm việc tại nhà.

Bên cạnh đó, Indonesia giảm thiểu các tiếp xúc trực tiếp với các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế. Đường dây nóng về Covid-19 dành cho ngoại giao đoàn cũng đã ra đời để duy trì sự thông suốt thông tin. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan lãnh sự quốc tế cho công dân Indonesia ở nước ngoài và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới để tăng cường việc phòng chống đại dịch toàn cầu.

Indonesia chuẩn bị 360 bệnh viện về Covid-19. Ảnh: Kompas.

Dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Indonesia. Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, ông Suahasil truyền đạt các chính sách và nỗ lực của chính phủ để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Indonesia.

Theo đó, chính phủ đã hợp tác với Ngân hàng Indonesia, Cơ quan dịch vụ tài chính của Indonesia (OJK) để áp dụng một loại các chính sách về tài chính, tiền tệ và tài chính tổng hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tại Indonesia. Các chính sách này bao gồm các gói kích thích tài chính, dưới hình thức giảm thuế với các lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đưa ra gói kích thích kinh tế có tổng giá trị 10.300 tỷ rupiah (khoảng 725 triệu USD) và đang tiến tới tung ra gói thích kích kinh tế thứ 2. 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi các quan chức chính phủ nới lỏng và đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn nhằm tránh giá cả trong nước tăng vọt và đẩy lạm phát tăng cao.

Nằm trong nỗ lực giảm sự lây lan của Covid-19, trước đó, Indonesia đã ra quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài với 7 quốc gia và vùng lãnh thổ (Iran, Italy, Vatican, Tây Ban Nha, Đức, Thuỵ Sỹ và Vương Quốc Anh), đồng thời tiến hành cách ly 14 ngày đối với các công dân Indonesia trở về từ 7 vùng dịch trên.

Chính sách cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19 vẫn còn hiệu lực. Các trường học và nhiều khu du lịch tại Indonesia đã đóng cửa. Tại nhiều tỉnh thành, các hoạt động tụ tập đông người cũng bị hạn chế./.