Trẻ em mắc Covid-19 ở Indonesia tăng gấp đôi trong gần một tháng
Cứ 8 người Indonesia mắc Covid-19 thì có một trẻ em. Tiến sĩ Aman Pulungan, người đứng đầu Hiệp hội nhi khoa Indonesia cho biết, số ca mắc Covid-19 ở những người dưới 18 tuổi của Indonesia đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng. Từ ngày 28/6 đến ngày 4/7 có 11.872 trẻ em Indonesia mắc Covid-19 nâng tổng số trẻ mắc Covid-19 ở quốc gia này lên thành 26.000 trường hợp, trong đó có 600 người đã tử vong.
Các chuyên gia y tế đổ lỗi cho làn sóng Covid-19 lần này là do biến thể Delta dễ lây nhiễm cùng sự di động trong ngày lễ của người Hồi giáo hồi tháng 5/2021. Nhưng Tiến sĩ Aman cho rằng, nguyên nhân chính là do người dân còn thiếu nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em, đưa trẻ em đi khắp nơi mà không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, khi trẻ em bị bệnh nặng, không nhận được sự chăm sóc chuyên khoa trong bối cảnh các bệnh viện quá tải.
Trong khi đó, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới. Cứ 1.000 người Indonesia thì chỉ có 50 người được xét nghiệm Covid-19. Đặc biệt, tỷ lệ xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho trẻ em Indonesia còn rất thấp do đó có nhiều trường hợp trẻ em mắc Covid-19 chưa được ghi nhận.
Tăng tốc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Trước các tác động của đại dịch với trẻ em, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia kêu gọi chính phủ đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19, đồng thời đảm bảo trẻ em có thể đi học lại khi an toàn. Dino Satria, Trưởng bộ phận Nhân đạo và Khả năng phục hồi của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Indonesia, cho rằng “sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở trẻ em ở Indonesia là rất đáng lo ngại và không có dấu hiệu nào cho thấy tỷ lệ này sẽ sớm giảm xuống nếu không khẩn trương đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine Covid-19.
Kể từ đầu tháng 7, nhiều tỉnh thành trên toàn Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) đã phê duyệt vaccine Sinovac dành cho lứa tuổi 12-17. Việc triển khai vaccine Covid-19 cho trẻ em có thể được thực hiện tại các cơ sở dịch vụ y tế hoặc tại các trường học, trường nội trú Hồi giáo với sự phối hợp của Văn phòng Giáo dục và Bộ Tôn giáo địa phương. Trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được tiêm hai liều vaccine cách nhau 1 tháng.
Khi đi tiêm chủng, trẻ em phải có phụ huynh đi kèm để khai báo dịch tễ và sức khỏe. Trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ được khám sàng lọc và bị từ chối tiêm chủng nếu có các bênh lý nền.
Bộ Y tế Indonesia vẫn đang hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật để triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Trong giai đoạn đầu, Indonesia nhắm mục tiêu tiêm chủng cho 32,6 triệu trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Quốc gia này đang chờ đợi kết quả đánh giá độ an toàn và liều lượng để triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi./.