Ngày hôm qua (8/7), Indonesia tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục lên tới 1.853 trường hợp trong vòng 24 giờ. Như vậy trong vòng 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia liên tục đạt số tăng kỷ lục mới. Kể từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Indonesia (2/3/2020), rất nhiều tổ chức, chuyên gia đã đưa ra dự đoán về đỉnh dịch của quốc gia này.
Indonesia sẽ là ổ dịch Covid-19 thứ 3 tại Châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ. |
Viện công nghệ Bandung, Indonesia đã từng thay đổi dự đoán về đỉnh dịch Covid-19 tại Indonesia từ cuối tháng 3 chuyển sang cuối tháng 6 năm 2020 do số ca mắc Covid-19 ngày một tăng. Trong khi đó, Cơ quan tình báo quốc gia (BIN), Đại học Gajah Mada đưa ra dự đoán, đỉnh dịch Covid-19 tại Indonesia sẽ rơi vào cuối tháng 7. Tuy nhiên với tình hình gia tăng các ca mắc Covid-19 như hiện nay, các dự đoán này dường như sẽ tiếp tục phải được điều chỉnh lại. Nhà dịch tễ học của Đại học Indonesia, ông Pandu Riono nhận định, các ca mắc Covid-19 tại nước này sẽ tiếp tục tăng, nhưng điều quan trọng hơn cả là số người được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp thử phản ứng chuỗi (PCR)
"Yếu tố quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm PCR. Số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, nhưng số người được xét nghiệm phải cao hơn nhiều so với số người mắc mới. Có như vậy mới có thể phát hiện các trường hợp lây lan Covid-19 trên thực địa, từ đó truy vết liên lạc, cách ly và giảm dần số ca mắc Covid-19 tại Indonesia”.
Tiến sĩ Pandu, người đã tư vấn cho các thống đốc Jakarta, Tây Java và các thành phố khác về cách phòng chống đại dịch này, cho biết Indonesia cần tăng gấp đôi tỷ lệ xét nghiệm phản ứng chuỗi (PCR) để kiểm soát tốt hơn cho sự lây lan của dịch bệnh tại đất nước này. Tiến sĩ Pandu cũng cho rằng, việc đưa ra các quy định trong xét nghiệm dựa trên triệu chứng là sai lầm vì tới 80% người mắc Covid-19 tại Indonesia hiện nay không có triệu chứng. Bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm Covid-19 thì chính phủ cũng cần phải nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các giao thức y tế:
“Nếu như chính phủ không yêu cầu người dân áp dụng triệt để các giao thức y tế như rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, Indonesia sẽ trở thành "ổ dịch" Covid-19 thứ ba tại châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận 68.079 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.369 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số liệu chính thức các ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc tính đến ngày 8/7 là là 83.581 trường hợp và tổng số người tử vong là 4.634 ca. Như vậy, nếu mỗi ngày Indonesia tăng 4.000 ca mắc Covid-19 thì Indonesia sẽ sớm vượt qua Trung Quốc, quốc gia bùng phát đại dịch toàn cầu.
Xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19. Nguồn : Fajar |
Hiện nay, mỗi ngày, Indonesia đang tiến hành xét nghiệm Covid-19 với 10.000 người và xử lý khoảng 20.000 mẫu bệnh phẩm. Như vậy, cứ 1 triệu người Indonesia, chỉ có 3.377 người được xét nghiệm Covid-19.
Trong khi đó, theo Worldometer, trang web theo dõi Covid-19, Singapore đã tiến hành 129.509 xét nghiệm trên một triệu người, Thái Lan đã xét nghiệm 8.648 trường hợp trên một triệu người và Philippines đã xét nghiệm 7.286 người trên một triệu người.
Cuối tháng 6 vừa qua, phát ngôn chính phủ Indonesia chuyên biệt về Covid-19 cho biết, 13 tỉnh trên toàn Indonesia đã không có ca mắc mới Covid-19 và được coi là vùng xanh an toàn. Tuy nhiên một phân tích về mức độ xét nghiệm thử phản ứng chuỗi (PCR) của nước này cho thấy, tám trong số 13 tỉnh được công bố đã ghi nhận ít hơn 1.000 xét nghiệm thử phản ứng chuỗi (PCR) trên một triệu người, ít hơn một phần ba mức trung bình quốc gia.
Trong khi đó, xét nghiệm PCR được coi là tiêu chuẩn vàng và chính xác hơn nhiều so với xét nghiệm nhanh dựa trên máu. Tiến sĩ Pandu khẳng định, theo các nguyên tắc của dịch tễ học, một số tỉnh tại Indonesia "không thực sự là vùng xanh an toàn" mặc dù chính phủ tuyên bố tỷ lệ lây nhiễm tại đây là rất thấp./.