Ngày 30/5, các quan chức quốc phòng Indonesia và Malaysia kêu gọi quốc tế giúp đỡ để đối phó với dòng người Rohingya, Myanmar, Bangladesh muốn nhập cư vào 2 quốc gia Đông Nam Á này.

Hơn 3.000 di dân từ Bangladesh, Myanmar đã tạm cư tại Indonesia, và Malaysia sau khi Thái Lan truy quét các đường dây buôn người trong tháng 5 này. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 2.600 di dân vẫn lênh đênh trên các con tàu ở ngoài khơi. 

indo_antq_tvbp.jpg
Những người di cư trên tàu ở ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia (Ảnh AP)

Phát biểu tại Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Rymizard Ryacudu nói: “Về vấn đề buôn bán người, tổ chức đưa người vượt biên trái phép đang biến vùng Đông Nam Á thành tâm điểm chú ý của thế giới. ASEAN  phải có nghĩa vụ hành động. Các bộ trưởng ASEAN cần phải tìm giải pháp về vấn nạn buôn người này thông qua các diễn đàn như Hội nghị bộ trưởng quốc phòng châu Á mới đây tổ chức ở Myanmar và các diễn đàn khác. Chúng ta phải chứng tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề buôn bán người, không chỉ có bàn thảo mà cần có hành động để đảm bảo quyền con người”.

Cũng tại Hội nghị, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, tướng Zulkifeli Mohd Zin cho biết Malaysia đã làm hết sức có thể để giải quyết vấn đề di dân nhưng cần sự giúp đỡ của quốc tế bởi đây là vấn đề không chỉ của riêng khu vực.

Tại hội nghị khẩn cấp diễn ra Bangkok (Thái Lan) hôm 29/5, các nước Đông Nam Á cùng một số nước đã nhất trí tăng cường tìm kiếm, cứu hộ di dân đang mắc kẹt trên biển./.