Các quan chức từ nhiều nước châu Á và các tổ chức quốc tế ngày 29/5 tham dự Hội nghị di dân Đông Nam Á tại Bangkok, Thái Lan nhằm tìm cách giải quyết vấn đề người di cư tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

indo_antq.jpg
Những người di cư trên tàu ở ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia (Ảnh AP)

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar và những người dân nghèo Bangladesh lênh đênh trên những con thuyền đông đúc với hi vọng tìm được việc làm tại vùng đất mới.

Tuy nhiên, giới chức các nước có liên quan cho rằng, cuộc họp lần này khó có thể đưa ra một thỏa thuận mang tính ràng buộc, hay một kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề người di cư. 

Tham gia Hội nghị di dân Đông Nam Á có đại diện 17 quốc gia liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc khủng hoảng di cư thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một số nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ và Nhật Bản và đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức di dân quốc tế và Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc họp cấp cao bởi theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, 3 nước trực tiếp liên quan đến cuộc khủng hoảng người nhập cư là Myanma, Indonesia và Malaysia thậm chí không cử Bộ trưởng tham gia cuộc họp này.

Vì thế cuộc họp ở Bangkok về cuộc khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ không thể đi đến một thỏa thuận mang tính ràng buộc nào hay một kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết triệt để người di cư đang mắc kẹt trên các con tàu ở Vịnh Bengal và biển Andaman.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết, Thái Lan chỉ hi vọng cuộc họp sẽ đi đến những giải pháp ngắn hạn và dài hạn tướng ứng với các vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là giảm bớt những đau khổ mà những người di cư mắc kẹt trên biển đang phải chịu đựng.

Trong một tuyên bố đưa ra trước thềm cuộc họp vào ngày 28/5, Myanma cũng cho biết, không có kế hoạch cho một thỏa thuận nào tại Bangkok vào ngày 29/5.

Theo trưởng phái đoàn Myanma tại cuộc họp Htein Lin, cuộc họp chỉ là một cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng khu vực mà tất cả các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt.

Trợ lý cao ủy về bảo vệ người tị nạn thuộc Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Volker Turk thì cho rằng, cuộc khủng hoảng di cư không thể chỉ được giải quyết trong một ngày, song cuộc họp này cũng là một “khởi đầu tốt”.

Theo ông Turk, điều quan trọng hiện nay là cần phải giải quyết vấn đề về những công dân Rohingya không được công nhận quốc tịch tại Myanmar.

Hiện vẫn còn khoảng 2.600 người được cho là vẫn còn lênh đênh trôi dạt trên các con tàu đông đúc ngoài biển.

Malaysia và Indonesia hiện đã nhất trí không tiếp tục áp dụng chính sách ngăn cản hay xua đuổi người di cư trên vùng biển Đông Nam Á, đồng thời cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho những người đang mắc kẹt trên biển.

Đây được coi là những bước đột phá trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong khu vực. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Al- Hussein cho biết: “Indonesia và Malaysia đang cung cấp một phao cứu sinh tạm thời cho những người di cư. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này, song nó là chưa đủ. Các quốc gia ASEAN cần phải hoàn thành những nghĩa vụ về tìm kiếm và cứu hộ cho tất cả những người đang gặp phải hoàn cảnh nguy hiểm trên biển, cung cấp sự bảo vệ lâu dài cho những người di cư”.

Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ đáp ứng lời kêu gọi khẩn cấp của Tổ chức di cư quốc tế nhằm đảm bảo sự an toàn và đối xử nhân đạo đối với người di cư. Oasinhtơn tuyên bố tiếp tục xem xét tái định cư cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, như một phần của một giải pháp quốc tế do Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đề xuất.

Bà Anne Richard, Thứ trưởng đặc trách Văn phòng Dân số, Người tị nạn và Di trú sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự cuộc họp lần này tại Bangkok./.