Lời kêu gọi hợp tác quốc tế, thúc đẩy chương trình tiêm chủng toàn cầu bằng cách đa dạng hóa, gia tăng năng lực sản xuất vaccine Covid-19 được Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi đưa ra ngày hôm qua (6/8) tại Diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine Covid-19 do Trung Quốc tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, hợp tác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển tiếp cận các nguyên liệu thô, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, gồm công nghệ mRNA và tiếp nhận các cơ chế tài chính thích hợp. Ngoại trưởng Indonesia đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu, dây chuyền sản xuất, kho lạnh bảo quản vaccine, cũng như nguồn nhân lực để chống lại dịch bệnh Covid-19.
Tại Diễn đàn, Ngoại trưởng Retno Marsudi kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19” (COVAX) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine Covid-19 có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, 30 khách mời là các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Y tế các nước, đại diện tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đã ra tuyên bố chung của diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine Covid-19.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan, Indonesia kêu gọi các quốc gia hợp tác trong việc phát triển, sản xuất, phân phối thuốc điều trị và vaccine ngừa Covid-19 và các dịch bệnh khác trong tương lai, đổng thời nhấn mạnh việc đảm bảo tất cả các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt đều phải được đối xử bình đẳng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 200 triệu ca mắc Covid-19. Hiện mới có gần 4 tỷ liều vaccine Covid-19 được phân phối, trong khi dân số toàn cầu khoảng 7,9 tỷ người./.