Ngày 15/3, Bộ Y tế Indonesia cho biết, việc phân phối vaccine AstraZeneca cho các khu vực sẽ bị hoãn lại trong khi chờ kết quả nghiên cứu từ Cơ quan giám sát Thực phẩm và dược phẩm và Nhóm tư vấn kỹ thuật Indonesia về tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, mặc dù Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng sự cố phản ứng đông máu ở người được tiêm chủng gần đây không có dấu hiệu là do vaccine gây nên và báo cáo đánh giá an toàn của AstraZeneca cũng cho thấy, không có bằng chứng nào về gia tăng rủi ro gây đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên để thận trọng, Indonesia vẫn chờ xác nhận từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Indonesia đã nhận được 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua chương trình liên minh vaccine COVAX trong tháng này và dự kiến ​​sẽ nhận thêm khoảng 10 triệu liều nữa trong hai tháng tới. Quyết định hoãn sử dụng vaccine AstraZeneca sẽ khiến Indonesia chỉ còn 1 loại vaccine đã được phê duyệt để tiếp tục chương trình tiêm chủng quốc gia là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Indonesia đã bắt đầu từ tháng 1 vừa qua và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu người trong vòng 15 tháng.

Trong khi đó, ở Philippines, Chính phủ cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các báo cáo về vaccine AstraZeneca có thể gây ra tình trạng đông máu. Trước đó, Bộ Y tế và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này khẳng định, Philippines sẽ thúc đẩy việc sử dụng vaccine AstraZeneca bất chấp báo cáo về việc một số quốc gia châu Âu đã ngừng sử dụng loại vaccine này.

Philippines đã nhận được 525.600 liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ sở COVAX vào đầu tháng 3. Bên cạnh số liều vaccine được cam kết từ cơ sở COVAX, lên tới 9 triệu liều, quốc gia này còn đặt hàng thêm 17 triệu vaccine AstraZeneca thông qua các thỏa thuận ba bên liên quan đến khu vực tư nhân và chính quyền địa phương.

Indonesia và Philippines là hai quốc gia hiện đang phải vật lộn với đợt bùng phát đại dịch với số ca mắc và tử vong cao nhất Đông Nam Á./.