Theo ông Fadjroel Rachman, người phát ngôn của Tổng thống Indonesia, “siêu dự án dời đô” trị giá 466.000 tỷ Rupiah sẽ đánh dấu bằng việc khởi công xây dựng Dinh Tổng thống mới ở quận Sepaku, thành phố Bắc Penajam Paser, tỉnh Đông Kalimantan vào năm nay. Hiện nay, chính phủ đang chờ hoàn thiện các quy định để xác định thời điểm bắt đầu xây dựng thủ đô. Giai đoạn đầu của việc xây dựng thủ đô mới sẽ được ưu tiên xây dựng tòa nhà cho Cơ quan công quyền và một số tòa nhà chính phủ.
Vào tháng 5/2020, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia thông báo hoãn việc xây thủ đô mới và chuyển trọng tâm của chính phủ sang xử lý đại dịch Covid-19, tuy nhiên việc quy hoạch vẫn được thực hiện. Trong năm qua, chính phủ Indonesia chuẩn bị ba kế hoạch lớn bao gồm quy hoạch tổng thể, nghiên cứu môi trường chiến lược và các quy hoạch không gian. Theo người đứng đầu quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, ông Suharso, trong năm 2021, Indonesia sẽ thực hiện phục hồi hệ sinh thái, mua đất và cơ sở hạ tầng cũng như nghiên cứu chi tiết về thiết kế và kỹ thuật.
Tháng 1/2021, Indonesia ban hành Dự luật Thành phố Thủ đô Quốc gia, 1 trong 33 dự luật ưu tiên của Chương trình Lập pháp Quốc gia sẽ được thảo luận trong năm nay. Ngân sách nhà nước Indonesia năm 2021 cũng dành 414.000 tỷ Rupiah cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cao hơn chi cho y tế và bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng kêu gọi đầu tư tư nhân và các doanh nghiệp để giảm tải áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc xây dựng thủ đô mới.Ngày 16/8/2019, Tổng thống Indonesia ra quyết định rời đô đến đảo Kalimantan trong bối cảnh hòn đảo Java với 135 triệu người sinh sống, nơi có mật độ dân số cao nhất toàn cầu, đang trở nên quá tải, trong khi thủ đô Jakarta trên đảo Java đang chìm xuống biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Jakarta - thủ đô của Indonesia với dân số gần 10 triệu người thường xuyên xảy ra tắc đường nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 7 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, với tốc độ sụt lún 20 cm/năm kết hợp với nước biển dâng cao, các chuyên gia ước tính đến năm 2050, 95% diện tích Jakarta sẽ chìm dưới mực nước biển./.