Theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia (BNPB), trong năm thứ hai liên tiếp xuất hiện, La Nina được dự báo sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất tại Indonesia từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cảnh báo lượng mưa cao có thể gây ra các thảm họa khí tượng thủy văn cho đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này trong vòng vài tháng tới. BMKG hối thúc các cơ quan chức năng Indonesia cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, phổ biến dự báo thời tiết và nâng cao nhận thức về thảm họa thiên tai cho công chúng, đặc biệt là với người nông dân để giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị kế hoạch chiến lược để đối phó với thiên tai, gồm tăng cường trồng cây, làm sạch hệ thống cấp nước, gia cố kè sông, tối ưu hóa hệ thống thoát nước...; sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân khi cần thiết.
BMKG cũng cảnh báo hiện tượng La Nina sẽ đe dọa an ninh lương thực Indonesia. Theo bà Dwikorita, người đứng đầu Cơ quan BMKG, chính phủ cần quan tâm đến ngành nông nghiệp và thủy sản, hai ngành được cho là chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động của hiện tượng La Nina. Ngành nông nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại về mùa màng do lũ lụt, sâu bệnh và bệnh hại cây trồng, đồng thời chất lượng nông phẩm giảm do hàm lượng nước cao. Trong khi đó, ở lĩnh vực thủy sản, nguồn cung thủy sản sẽ giảm mạnh, giá cả thị trưởng sẽ trở nên đắt đỏ khi nguồn hàng khan hiếm do ngư dân không thể vươn khơi bám biển.
Trước đó, chính phủ Indonesia đã đưa ra một số biện pháp mới phòng ngừa thiên tai do La Nina gây ra như thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất ở nhiều khu vực; lập quy trình cảnh báo tiêu chuẩn cho hơn 200 đập nước; thành lập lực lượng đặc nhiệm giảm nhẹ thiên tai để giám sát cơ sở hạ tầng hiện có cũng như kiểm tra lưu lượng mưa lũ...
La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi bất thường ở Thái Bình Dương, thường xảy ra với chu chu kỳ từ 2 - 7 năm/lần; gây ra mưa lũ nhiều hơn bình thường và có thể ảnh hưởng cơ chế hình thành giông, bão ở các vùng lục địa. Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Từ đầu năm 2021, Indonesia đã hứng chịu hơn 370 vụ thiên tai, gồm 227 trận lũ lụt, 66 trận lốc xoáy, 60 vụ lở đất, 7 trận động đất, 7 đợt triều cường và 4 vụ cháy rừng, một phần do hiện tượng La Nina yếu đã hình thành từ cuối năm 2020 và làm gia tăng lượng mưa hàng tháng lên tới 70%. Các thiên tai này đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người và khiến hơn 12.000 người bị thương.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các địa phương tại Indonesia ghi nhận nhiều thảm họa thiên tai nhất gồm Trung Java, Tây Java, Đông Java và Nam Sulawesi./.