Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết Indonesia cần tăng cường cảnh giác để ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ ba có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
Indonesia đã trải qua hai làn sóng Covid-19 tăng đột biến vào tháng 1 và tháng 7/2021, trong đó làn sóng thứ 2 đã tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này với mức đỉnh điểm là hơn 50.000 trường hợp một ngày. Theo ông Wiku, sự gia tăng đột biến là do các yếu tố bên trong chứ không phải do các ca bệnh toàn cầu gia tăng hoặc đến từ các quốc gia khác. Một số nguyên nhân được đề cập đến là sự gia tăng di chuyển trong nước và sự lơ là các giao thức y tế.
Hiện nay, Indonesia đang trải qua mức thấp nhất của đại dịch. Các ca mắc Covid-19 trung bình ở Indonesia hiện nay chỉ khoảng 1.000 trường hợp. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh tăng 95%. Cải thiện cũng được nhìn thấy khi tỷ dương tính trong các xét nghiệm Covid-19 ở mức 2,4%.
Nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko của Đại học Indonesia (UI) cũng cho rằng nếu các Indonesia nới lỏng các giới hạn như hiện nay cùng với việc không đạt 50% mục tiêu tiêm chủng thì làn sóng Covid-19 thứ ba chắc chắn sẽ xảy ra vào tháng 12/2021. Hiện nay, có hơn 46 triệu người Indonesia đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine Covid-19, đạt 22,15% tổng mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân. Ngoài ra theo nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko, nếu việc truy vết, xét nghiệm và cách ly không được thực hiện tốt thì Covid-19 tại Indonesia sẽ lại tiếp tục tăng lên đỉnh mức mới.
Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Các bệnh Truyền nhiễm, Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi, cho biết, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19. Ngoài việc tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc và khả năng phục hồi của bệnh viện, Bộ Y tế cũng đang cố gắng nâng cao thành tích tiêm chủng Covid-19 ở các vùng. Chính phủ đã đưa ra các chiến lược để tăng tốc tiêm chủng từ 1,6 triệu lên 2,5 triệu mũi tiêm mỗi ngày. Người dân được yêu cầu tiếp tục tuân thủ giao thức y tế và tránh đi lại để không làm lây lan dịch bệnh.
Thủ đô Jakarta, nơi từng là tâm dịch của đất nước trong làn sóng Covid-19 thứ hai khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống phát hiện sớm để ngăn chặn làn sóng tiếp theo. Theo ông Anies Baswedan, Thống đốc Jakarta, mặc dù tỷ lệ dương tính đang hoạt động chỉ ở mức 0,7% nhưng thành phố này sẽ duy trì số lượng xét nghiệm cao gấp 8 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phát hiện sớm các ca mắc Covid-19. Nếu các ca mắc có xu hướng gia tăng, thành phố với hơn 10 triệu dân sẽ đưa ra cơ chế để kiểm soát sự gia tăng này, cung cấp các biện pháp can thiệp, thắt chặt kỷ luật để không lặp lại những gì đã xảy ra ở làn sóng thứ hai.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận hơn 4,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 141.000 người đã tử vong./.