Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, có 15.456 học sinh, sinh viên và 7.284 giáo viên trong tổng số hơn 47.000 trường học trên toàn quốc đã mắc Covid-19 sau khi mở cửa trở lại trường học.
Trong số này, có hơn 1.300 trường học ở tất cả các cấp đã trở thành các cụm siêu lây lan Covid-19. Tại thủ đô Jakarta, mặc dù các chương trình dạy và học trực tiếp đã đi vào vận hành phù hợp với các giao thức y tế, song đã có 25 cụm Covid-19 xuất hiện.
Mặc dù vậy, chính quyền trung ương vẫn tiếp tục khuyến khích người đứng đầu các khu vực mở lại trường học ngay lập tức, đặc biệt nếu khu vực của họ nằm trong danh mục giới hạn hoạt động cộng đồng từ cấp 1 đến cấp 3. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục kêu gọi chính phủ không nên theo đuổi mục tiêu số trường được mở mà nên ưu tiên khía cạnh sức khỏe.
Trước khi mở cửa trường học trực tiếp, trẻ em Indonesia là đối tượng có nguy cơ cao mắc và tử vong do Covid-19. Cứ 8 người Indonesia mắc Covid-19 thì có một trẻ em. Do đó, khi việc học tập trực tiếp được thực hiện với gần một nửa số trường học trên toàn quốc, các bậc phụ huynh cho rằng đã đặt con cái vào các “nguy cơ cao”.
Khi mở cửa trở lại trường học, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia yêu cầu đội ngũ giáo viên được tiêm chủng đầy đủ. Trường học nằm trong khu vực giới hạn hoạt động cộng đồng từ cấp 1 đến cấp 3 được mở cửa với 50% công suất. Tuy nhiên, phụ huynh có thể lựa chọn cho con đi học hoặc học ở nhà.
Số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đang có xu hướng giảm xuống. Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 2.720 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên hơn 4,1 triệu ca, trong đó có hơn 140.000 trường hợp đã tử vong./.