Chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi các lực lượng hải quân của Triều Tiên và Hàn Quốc đấu súng ở khu vực ranh giới đang tranh chấp trên biển Hoàng Hải, 2 miền Triều Tiên ngày 13/10 lại tiếp tục nặng lời chỉ trích nhau liên quan đến việc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng của một nhóm dân sự Hàn Quốc. Vụ việc có nguy cơ gây bùng phát căng thẳng khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều lớn tiếng cảnh báo rằng sẽ “đáp trả mạnh mẽ và thích đáng” các hành động khiêu khích của phía bên kia.
Sau khi Triều Tiên bắn vào bóng bay mang theo truyền đơn chống nước này, được thả đi từ phía Hàn Quốc khiến quan hệ liên Triều lún sâu hơn vào căng thẳng, Triều Tiên ngày 13/10 cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công nếu các nhóm dân sự Hàn Quốc không ngừng rải truyền đơn chống Triều Tiên.
Trong một bản tin truyền hình, phát thanh viên kênh KRT của Triều Tiên nêu rõ: “Chừng nào các hành động khiêu khích nghiêm trọng như rải truyền đơn còn tiếp diễn thì các hành động trả đũa của quân đội và người dân Triều Tiên sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu như Hàn Quốc thực sự muốn một giải pháp cho mối quan hệ và các cuộc đối thoại cấp cao, thì họ cần phải tôn trọng chúng tôi và trước hết họ phải nghiêm túc.”
Tranh cãi trong mối quan hệ liên Triều đang tiếp tục nảy sinh xuất phát từ việc các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn bôi nhọ chế độ của Triều Tiên và những truyền đơn này đã lan sang lãnh thổ Triều Tiên. Tuy nhiên, căng thẳng chỉ bùng phát sau khi Triều Tiên bắn vào những quả bóng bay mang theo truyền đơn. Triều Tiên đã kêu gọi Hàn Quốc thực hiện các biện pháp thích hợp đển ngăn chặn hành vi rải truyền đơn này.
Trong một bài viết được đăng tải ngày 13/10, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều tiên miêu tả hành động rải truyền đơn như một chường ngại vật tồi tệ nhất trong mối quan hệ liên Triều. Tờ báo này cho rằng, việc rải truyền đơn là một hành động thù địch nghiêm trọng làm trầm trọng thêm sự đối đầu giữa 2 miền Triều Tiên và có thể dẫn tới đụng độ vũ trang, thậm chí là chiến tranh liên Triều.
Trước những cảnh báo từ phía Triều Tiên, phía Hàn Quốc đang đặt an ninh trong tình trạng cảnh giác cao độ. Các quan chức Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc các biện pháp thích hợp để bảo vệ công dân của mình khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã khuyến cáo các nhà hoạt động nước này hạn chế rải truyền đơn vào khu vực biên giới Triều Tiên song phía Hàn Quốc khẳng định, việc rải truyền đơn là quyền của các nhóm dân sự và các nhà chức trách sẽ không tiến hành can thiệp pháp lý vào vấn đề này.
Quân đội Hàn Quốc ngày 13/10 cũng đã triển khai thêm nhiều vũ khí tới các đảo gần khu vực biên giới phía Tây căng thẳng, duy trì tư thế sẵn sàng tác chiến và trang bị vũ khí bổ sung cho các đơn vị tác chiến nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Triều Tiên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết nước này đã gửi công hàm phản đối việc Triều Tiên hôm 10/10 bắn những quả bóng bay mang theo truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Ông Kim Min Seok nói: “Hành động khiêu khích của Triều Tiên đã vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc và thỏa thuận đình chiến và thỏa thuận liên Triều. Chúng tôi đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp Triều Tiên có những hành động khiêu khích hơn nữa.”
Gần đây, giữa Triều Triên và Hàn Quốc nảy sinh một loạt các vấn đề xung đột trong mối quan hệ. Hồi đầu tháng nay, các quan chức cấp cao 2 bên đã tổ chức đàm phán ở thành phố Incheon, thành phố cảng phía Tây của Hàn Quốc và nhất trí tiến hành thêm một cuộc đàm phán tiếp theo trước tháng 11 tới. Tuy nhiên, những hy vọng vừa nhen nhóm cho cuộc đàm phán hiếm có này đã nhanh chóng lu mờ khi tàu của 2 bên đấu súng trên biển Hoàng Hải, cùng với việc Triều Tiên và Hàn Quốc “đấu khẩu” về vấn đề rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Viện dẫn những căng thẳng tại biên giới, Bình Nhưỡng cũng đã nói bóng gió về khả năng sẽ không tham dự cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 13/10 tuyên bố nước này vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên. Tuyên bố của bà Park Geun Hye nhấn mạnh “đối thoại là cần thiết ngay cả trong giai đoạn chiến tranh. Hai miền Triều Tiên cần tiếp tục đối thoại để giảm căng thẳng và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”./.