“Hy Lạp đang có một chính phủ cứu quốc và sẵn sàng chấp nhận đổ máu để khôi phục phẩm giá của đất nước” - đây là tuyên bố đưa ra hôm 28/1 của tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, tại cuộc họp đầu tiên của hội đồng nội các mới. Dù khẳng định không muốn phá vỡ mối quan hệ với các đối tác, song ông Tsipras cũng nhấn mạnh, Hy Lạp không muốn tiếp tục “chính sách chịu đựng” nữa.
Ông Tsipras nói: “Chúng tôi không ở đây chỉ để tiếp quản các thể chế nhà nước hay để tự mãn trước quyền lực. Chúng tôi ở đây là để thay đổi tận gốc những chính sách và quy cách lãnh đạo đang được tiến hành.”
Ông Tsipras cũng cho biết, ông đang chờ đợi kết quả "các cuộc thảo luận hữu ích" diễn ra ngày 30/1 tới với Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Disselbloem và cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu vào ngày 12/2 tới.
Trong khi đó, phát biểu lần đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis hôm nay cho biết sẽ thúc đẩy một gói cứu trợ mới, là cầu nối gữa các chương trình cứu trợ trước đó với thỏa thuận cuối cùng giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế. Theo ông, sẽ không có một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Hy Lạp và Liên minh châu Âu. Một mối quan hệ mới dựa trên tự tin trưởng và tôn trọng lẫn nhau sẽ được tạo dựng giữa Hy Lạp và châu Âu. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng.
Như để chứng minh cho tuyên bố này, hôm 28/1, cả chính phủ Pháp và Đức, 2 đầu tàu của Liên minh châu Âu đều "đồng lòng" tuyên bố sẽ không có chuyện chấp nhận giảm nợ cho Hy Lạp. Trong khi Pháp nhấn mạnh các cuộc đàm phán sẽ chỉ tập trung vào việc làm thế nào để Hy Lạp có một mức nợ ổn định hơn và dễ thanh toán hơn, thì Đức tuyên bố phải có những quyết định công bằng với nhân dân nước mình.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói: “Cắt giảm nợ cho Hy Lạp là một điều không tưởng. Một điều rõ ràng là chúng ta phải giữ chân Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Song chúng ta cũng cần phải công bằng với nhân dân của mình và với quốc gia sử dụng đồng euro khác. Đó cũng chính là lý do mà tôi muốn các cuộc đàm phán công bằng với chính phủ mới của Hy Lạp hướng tới việc duy trì các thỏa thuận hiện nay và để từ đó tiếp tục các hỗ trợ mà chúng tôi đã cam kết.”
Hiện Hy Lạp phải gánh khoản nợ công lên tới 175% tổng sản phẩm quốc nội cùng nhiều hệ lụy từ cuộc suy thoái kinh tế trong 5 năm qua. Vì thế, việc đảng Syriza của ông Tsipras tạo ra "cơn địa chấn" ở Hy Lạp là một thực tế, nhưng liệu đảng này sẽ thỏa hiệp với các đối tác hay kiên quyết đưa các kế hoạch khắc khổ vào dĩ vãng, bất chấp những hệ lụy đối với nền kinh tế vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ./.