Cuộc họp của nhóm Eurogroup, quy tụ 19 Bộ trưởng Tài chính của các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu tại Luxemburg tối qua để bàn về vấn đề Hy Lạp tiếp tục kết thúc trong thất bại.
Khi rời phiên họp, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã chỉ trích gay gắt phía Hy Lạp, thậm chí còn tuyên bố Hy Lạp cần phải cử “những người lớn” đến những cuộc thương lượng với các chủ nợ chứ không phải với đội ngũ hiện nay.
Đại diện Hy Lạp (trái) và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tại cuộc họp (Ảnh AP) |
Trên thực tế, trái với tuyên bố trước phiên họp rằng sẽ đến tay không và không đưa ra thêm một nhượng bộ cải cách nào, Bộ trưởng kinh tế Hy Lạp, ông Varoufakis đã mang theo một hồ sơ dày 5 trang về những đề xuất của Hy Lạp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng các nước Eurozone đã bác bỏ hồ sơ này vì đánh giá là nó quá “chung chung” và trong đó Hy Lạp đòi hỏi quá nhiều việc tái cấu trúc lại các khoản nợ của họ, điều mà các chủ nợ của Hy Lạp cho là “không thể chấp nhận nổi” trong hoàn cảnh hiện nay.
Các thành viên khu vực đồng tiền chung cho rằng chỉ khi nào Hy Lạp có những cam kết cải cách thực sự nghiêm túc thì chừng đó mới có thể đề cập đến việc tái cấu trúc nợ.
Sự bế tắc hiện nay đang hiện thực hóa những kịch bản vỡ nợ dành cho Hy Lạp vào ngày 30/6. Cần nhắc lại rằng, theo kế hoạch thì đến ngày 30/6 tới, Hy Lạp sẽ phải trả một khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF. Tiếp đến vào ngày 20/7, họ sẽ phải trả tiếp 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng trung ương châu Âu.
Hiện tại thì Hy Lạp đang cạn kiệt tiền mặt nên nếu không được giải ngân nốt 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ thì nước này sẽ vỡ nợ.
Đến khi đó, một loạt các hậu quả dây chuyền sẽ diễn ra, nguy hiểm nhất là sự phá sản của hệ thống ngân hàng và cuối cùng là Hy Lạp buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung và nền kinh tế nước này sẽ sụp đổ. Kinh tế của khu vực châu Âu khi đó cũng sẽ phải hứng chịu những hậu quả khó lường.
Chính vì điều đó, các nước đều muốn tránh kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, bế tắc hiện nay đó là sự không nhượng bộ của tất cả các bên. Trong khi chính phủ của đảng Syriza ở Hy Lạp không nhượng bộ vì không muốn thất hứa với cử tri thì phía các chủ nợ và các nước châu Âu, sự bất mãn với chính phủ Hy Lạp hiện tại đang lên đến cao điểm.
Hầu hết các quan chức cấp cao châu Âu đều đang công kích gay gắt Chính phủ Hy Lạp và bản thân dân chúng tại hầu hết các nước châu Âu cũng phản đối việc trợ giúp thêm cho Hy Lạp.
Trước tình huống căng thẳng hiện nay, một cuộc họp Thượng đỉnh châu Âu sẽ được triệu tập vào ngày 22/6 tới tại Brussels để tìm ra giải pháp cho vấn đề Hy Lạp. Đó được xem là cơ hội cuối cùng cho các bên đạt được thỏa thuận./.