Bộ Ngoại giao Đức hôm qua (17/4) đã sơ tán gần 100 công dân Đức và công dân một số nước Liên minh châu Âu (EU) khác đang bị kẹt ở thủ đô Sanaa của Yemen từ nhiều ngày qua. Động thái này đưa ra trong bối cảnh, chiến sự ở Yemen ngày càng phức tạp khi phiến quân Houthi và quân đội chính phủ tiếp tục giao tranh ở thành phố miền Tây Nam Aden trong khi phiến quân al-Qaeda chi nhánh ở bán đảo Arab (AQAP) nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng ở miền Đông Nam nước này.

phao_binh_saudi_arabia_ban_yemen_pkha.jpgPháo binh Saudi Arabia bắn về phía Yemen (ảnh: AFP)
Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời quan chức dấu tên của Yemen cho biết, hôm qua, phiến quân al-Qaeda chi nhánh ở bán đảo Arab đã giành được quyền kiểm soát một doanh trại quân đội chiến lược ở thành phố Mukalla, thủ phủ tỉnh miền Đông Nam Hadramawt lớn nhất Yemen, chiếm nhiều xe tăng, pháo binh và vũ khí hạng nặng khác.

Vốn hoạt động thường xuyên ở địa bàn này bất chấp các cuộc không kích trước đây của Mỹ, nay al-Qaeda lợi dụng tình hình bất ổn tại Yemen sau cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi để triển khai một chiến dịch tấn công vào Mucala từ ngày 2 tháng 4 vừa qua và nhanh chóng chiếm được thành phố chiến lược này, phóng thích hơn 300 tù nhân, trong đó có những thủ lĩnh khủng bố khét tiếng như Khaled Batarfi. Đến nay, al-Qaeda đã kiểm soát được một sân bay chính, một cảng biển chính và một cảng dầu ở miền Nam Yemen.

Chỉ chăm chăm diệt Houthi, không để ý tới al-Qaeda

Giới quan sát chỉ ra rằng, các cuộc không kích của Saudi Arabia đến nay chỉ nhằm vào phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite chứ không ngó ngàng đến những khu vực mà phiến quân al-Qaeda theo dòng Sunni chiếm đóng.

Các cuộc không kích này cũng đang vấp phải những chỉ trích của một số tổ chức quốc tế vì gây ra thương vong cho dân thường. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền ước tính, ít nhất 364 dân thường đã thiệt mạng, trong đó có đến 84 trẻ em và 25 phụ nữ, kể từ khi Saudi Arabia triển khai các chiến dịch không kích vào ngày 26/3 đến nay. Theo tổ chức phi chính phủ về Giám sát nhân quyền (HRC), các cuộc không kích của Saudi Arabia có thể vi phạm luật chiến tranh và kêu gọi các nước tham gia liên quân này tiến hành điều tra và có những biện pháp thích hợp.

Chính phủ lưu vong

Trong khi đó, bất chấp các vụ không kích của Saudi Arabia, phiến quân Houthi vẫn kiểm soát thủ đô Sanaatừ tháng 9 năm ngoái đến nay và đang đẩy mạnh tiến công vào thành phố cảng chiến lược Aden, buộc Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi cùng một số thành viên nội các phải chạy sang Saudi Arabia.

Ông Hadi hiện điều hành một chính phủ quy mô nhỏ từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, tập trung vào những nỗ lực tổ chức và điều phối nhân đạo cho các khu vực xung đột. Tổng thống Hadi và Phó Tổng thống Khaled Bahah tuyên bố sẽ quay trở về Aden ngay khi tình hình an ninh và chính trị được cải thiện. Phó Tổng thống Khaled Bahah kêu gọi phiến quân Houthi và những lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chấm dứt các chiến dịch tấn công vào Aden để tạo điều kiện cho các sáng kiến hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Iran đưa ra đề xuất hòa bình 4 điểm

Sau những nỗ lực thất bại, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Jamal Benomar mới đây đã phải từ chức, để lại một cuộc hỗn chiến chưa có lối thoát tại quốc gia nằm ở cực Nam của bán đảo Arab này. Trong khi đó, Iran hôm qua chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc kế hoạch hòa bình 4 điểm cho Yemen. Trong lá thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nêu rõ, điều cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế là cần tham gia hiệu quả hơn trong việc chấm dứt các cuộc không kích vô nghĩa và thiết lập một lệnh ngừng bắn, đảm bảo hỗ trợ nhân đạo và trợ cấp y tế cho người dân Yemen, và khôi phục nền hòa bình và ổn định cho quốc gia này thông qua đối thoại và hòa giải dân tộc mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào.

Ông Zarif nhấn mạnh: “Các cường quốc bên ngoài không nên đặt ra điều kiện cho tương lai của Yemen. Họ không nên can thiệp vào tiến trình đàm phán. Điều họ cần làm là tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa các nhóm ở Yemen. Và đó là điều chúng tôi sẽ làm.”

Các nước phương Tây và Arab không hoan nghênh những kiến nghị này vì cho rằng, Iran chính là “kẻ hậu thuẫn” phiến quân Houthi lật đổ chính quyền của Tổng thống Hadi, do đó thiếu trung lập trong vấn đề này. Tuy nhiên, nếu không sớm giải quyết được xung đột giữa chính phủ và lực lượng Houthi, Yemen sẽ rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt” với mối đe dọa từ tổ chức khủng bố al-Qaeda./.

>> Xem thêm: Hậu khủng bố 11/9, Mỹ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa