Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 27/10, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 43.739.022 trường hợp, trong đó có 1.163.588 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 32.123.939 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp.
Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đang ghi nhận kỷ lục về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 khi làn sóng dịch bệnh tái bùng phát, buộc một số quốc gia phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 64.105 ca mắc vào hôm qua (26/10) nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 8.956.966. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 230.986. Tại Mỹ, số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị Covid-19 ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, gây quá tải hệ thống y tế ở một số bang. Đối mặt với cuộc bầu cử ngày 3/11, Tổng thống Trump đã công kích các báo cáo cho rằng số ca mắc Covid-19 đang gia tăng.
Ấn Độ ghi nhận thêm 36.838 ca mắc và 505 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên đến 7.945.888, trong đó có 119.535 ca tử vong. Quốc gia này là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở châu Á, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Nga ghi nhận thêm 17.347 ca mắc và 219 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại hơn 1,5 triệu trường hợp, trong đó 26.269 trường hợp tử vong. Điện Kremlin cảnh báo đại dịch đang bắt đầu lây lan rộng rãi hơn bên ngoài thủ đô Moscow.
Dịch bệnh cũng đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 15.726 ca mắc và 234 ca tử vong, nâng tổng số lên 5.409.854 ca bệnh và 157.397 ca tử vong. Tiếp đến là Colombia với 1.025.052 ca mắc và 30.348 ca tử vong. Peru ghi nhận 890.574 ca mắc và 34.197 ca tử vong. Mexico ghi nhận 891.160 ca mắc và 88.924 ca tử vong.
Tại châu Âu, bức tranh vẫn rất ảm đạm khi một loạt quốc gia thông báo mức gia tăng kỷ lục mới về số ca mắc, dẫn đầu là Pháp với 1.165.278 ca mắc và 35.018 ca tử vong. Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp, cho biết, nước này thậm chí có thể chứng kiến 100.000 ca mắc mới mỗi ngày trong thời gian tới.
Chính phủ các nước đã cố gắng tránh biện pháp phong tỏa lần thứ hai vi lo ngại thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Nhưng sự gia tăng số ca mắc mới đã buộc nhiều nước châu Âu thắt chặt hạn chế.
Đức ghi nhận 450.167 ca mắc mới và 10.181 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, nước này sẽ phải đối mặt với những tháng ngày rất khó khăn sắp tới. Bà có kế hoạch đóng cửa các quán bar, nhà hàng và các sự kiện công cộng.
Tây Ban Nha ghi nhận hơn 1,1 triệu ca mắc mới và hơn 35.000 ca tử vong. Chính phủ Tây Ban Nha đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội về kế hoạch áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng tại quốc gia này. Các đảng đối lập cho rằng sáu tháng là quá dài tuy nhiên các nhà dịch tễ học cho biết biện pháp này có thể quá muộn.
Anh ghi nhận 894.690 ca mắc mới và 44.998 ca tử vong trong tính đến thời điểm hiện tại. Nước này đang nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này không thể phụ thuộc vào vaccine và cần phải thực hiện nhiều biện pháp khác để kiểm soát dịch bệnh.
Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi tháng 3/2020, giờ đây đã áp đặt các hạn chế mới, yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa từ 18h chiều, đóng cửa các rạp chiếu phim và phòng tập thể thao, áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số địa phương.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là tâm điểm dịch bệnh. Nước này ghi nhận tổng cộng 716.759 ca mắc và 19.008 ca tử vong.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 574.856 sau khi ghi nhận thêm 5.960 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 19.008 trường hợp.
Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines đều nằm trong top 20 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, theo xếp hạng của Worldometers.
Indonesia đã vượt Philippines và trở thành tâm chấn dịch bệnh. Là đất nước có phần đông dân số là người Hồi giáo, Indonesia đang phải gồng mình để kiểm soát dịch bệnh với 392.934 ca mắc và 13.411 ca tử vong. Trong khi đó, Philippines đứng thứ 2 với 371.630 ca mắc và 7.039 ca tử vong. Chính phủ Philippines đã áp đặt các biện pháp hạn chế xung quanh thủ đô Manila đến ngày 31/10./.