Trong hai ngày 21 và 22/2, tại thành phố Kyoto của Nhật Bản đã diễn ra Hội thảo quốc tế về biển Đông và biển Hoa Đông với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu các vấn đề thế giới thuộc trường Đại học Công nghiệp Kyoto.

nhat1-1.jpg
Hội thảo quốc tế về Biển Đông và Biển Hoa Đông tại Kyoto, Nhật Bản

Trong bối cảnh những căng thẳng liên quan vấn đề tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khác như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam…, hội thảo đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận chính giới, học giả và báo giới của Nhật Bản cũng như nước ngoài với sự tham dự của khoảng 150 người.

Với chủ đề “Tăng cường xây dựng lòng tin tại khu vực Đông Á”, 12 học giả đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam… đã thảo luận về nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng gần đây tại khu vực Đông Á.

Theo các chuyên gia, các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên biển và các tuyến vận tải đường biển và điều này làm gia tăng nguy cơ tranh chấp quyền kiểm soát trên biển thông qua các tuyên bố chủ quyền. Việc thiếu một chuẩn mực về ứng xử trên biển có thể đe dọa sự an toàn và ổn định trong khu vực.

Hầu hết các học giả cho rằng, tình hình ổn định tại khu vực Đông Á đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do những căng thẳng liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia trong thời gian qua. Tình hình này được cả dư luận trong khu vực và cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý.

Giáo sư Gilbert Rozman thuộc Khoa Xã hội học, Trường Đại học Princeton, Mỹ cho rằng, Biển Đông đang trở thành vấn đề mang tính quốc tế rộng lớn. Ấn Độ, Australia, Mỹ và nhiều nước khác đều đã bày tỏ lo ngại về những tranh chấp tại đây. 

Vấn đề xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước trong khu vực được các học giả đánh giá có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tiến trình hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Á. Tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển năm 1982 nói riêng được hầu hết các đại biểu xem là điều kiện tiên quyết trong giải quyết tranh chấp trên biển.

Giáo sư G.V.C Naidu thuộc Khoa các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trường đại học Jawaharlal Nehru Ấn Độ cho rằng,  các nước phải dựa vào luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là công ước quốc tế về luật biển được ký kết vào năm 1982. Giáo sư Naidu cảnh báo, việc bác bỏ công ước này sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho an ninh biển.

Tại Hội thảo, nhiều học giả đánh giá cao vai trò trung gian của ASEAN cũng như của các nước lớn khác trong và ngoài khu vực trong giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cũng tại hội thảo, các học giả đã đề nghị các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng, tránh các hành động khiêu khích và tìm cách mở rộng vùng kiểm soát bằng cách giải pháp quân sự để khu vực Đông Á duy trì một vùng biển hòa bình, an toàn và ổn định./.