Một cuộc hội thảo quốc tế vừa được tổ chức tại New York, Mỹ với sự tham gia của các học giả uy tín của Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Australia, Anh, Philippines và Singapore.
Các đại biểu tham dự cuộc hội thảo |
Hội thảo đã phân tích các nguyên nhân gây căng thẳng tại biển Đông, vai trò của luật pháp quốc tế, quan hệ Mỹ-Trung và vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp biển.
Các học giả cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng tại biển Đông trong thời gian qua bao gồm: sức hút của trữ lượng dầu khí và nguồn thuỷ sản khổng lồ, những yêu sách của Trung Quốc, vị trí địa chính trị mang tính chiến lược cũng như tuyến hàng hải huyết mạch trên vùng biển này.
Tại Hội thảo, đại diện của Việt Nam đã trình bày các luận cứ chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Hà khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Bà Hà nêu rõ, đàm phán hoà bình đóng vai trò vô cùng quan trọng để tìm giải pháp cho các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán biển.
Viện trưởng Viện Quốc phòng Trung Quốc, Chu Thành Hổ cho rằng, căng thẳng tại biển Đông một phần liên quan tới chính sách tái cân bằng, tập trung nguồn lực sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Trung Quốc nghi ngại chính sách này sẽ kiềm chế sự phát triển của mình. Theo ông Chu Thành Hổ, cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích chung tại biển Đông và 2 bên đều hy vọng duy trì hoà bình, ổn định tại biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải, không làm phức tạp thêm tình hình, tránh đối đầu quân sự và tìm giải pháp hoà bình đối với xung đột trên biển Đông.
Nhiều học giả nhận định rằng, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy tại một số quốc gia liên quan, đặc biệt là tại Trung Quốc, khiến tình hình ngày càng phức tạp. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Christopher Hill cho rằng, Trung Quốc cần xác định lợi ích cốt lõi của nước này là gì và tìm cách dung hoà những lợi ích này với lợi ích của các nước ASEAN. Ông Hill nhấn mạnh tranh chấp biển đòi hỏi cách tiếp cận hiện đại hơn, đôi bên cùng có lợi, và cách tiếp cận song phương của Trung Quốc hiện nay là không phù hợp. Ông Christopher Hill nói: "Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không nhất thiết phải là biển Đông mà là giải pháp hoà bình đối với các quốc gia láng giềng. Tôi cho rằng, tranh chấp biển với các nước lân cận không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc. Trung Quốc đang nổi lên và trở thành một quốc gia tầm cỡ toàn cầu. Cách quản lý quan hệ với các nước lân cận là vấn đề cốt yếu đối bản thân Trung Quốc cũng như của cả thế giới. Trung Quốc có di sản lịch sử tới 4.000 năm để xem xét cách ứng xử của mình đối với các nước láng giềng. Mỹ đã rút ra một số bài học trong quan hệ với những nước nhỏ tại Mỹ Latin và cố gắng tìm ra phương thức để các nước này nhận thấy rằng chúng tôi tôn trọng tối đa lợi ích của họ".
Yang Fang, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hoá của Singapore cho rằng, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) đã góp phần ngăn ngừa xung đột lớn giữa các bên liên quan, đặc biệt là xung đột quân sự từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên, các bên cần nhanh chóng xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC), một thoả thuận mang tính ràng buộc pháp lý.
Đại diện của Philippines lập luận rằng COC cần được áp dụng song song với luật pháp quốc tế vì bộ quy tắc này có thể sẽ không giải quyết được tất mọi vấn đề và ngược lại. Giám đốc Trung tâm Luật pháp Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, RobertBeckman cho rằng, Trung Quốc cần thúc đẩy lợi ích quốc tế của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Ông hy vọng, nếu Toà án Trọng tài Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines, đòi hỏi của các bên liên quan tại biển Đông sẽ được làm sáng tỏ dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, tạo nền tảng cho quá trình đàm phán mà nhiều nhà quan sát cho rằng, là giải pháp lâu dài, khả thi duy nhất đối với tranh chấp pháp lý trên biển Đông.
Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cũng nhận định vụ kiện của Philippines sẽ giúp xác định rõ ràng vấn đề đường 9 đoạn của Trung Quốc hiện được cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Giáo sư luật Jerome Cohen, thuộc trường Đại học New York chia sẻ quan điểm trên: "Tình hình biển Đông đang cực kỳ căng thẳng. Nhưng chúng ta đang đứng trước khả năng tạo ra bước đột phá. Việc Philippines kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài Liên Hợp Quốc tạo cơ hội để phá vỡ bế tắc trong đàm phán và góp phần làm sáng tỏ vấn đề lớn nhất- "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Nếu Toà kết luận "đường lưỡi bò" không có cơ sở pháp lý, điều này sẽ tạo ra một nền tảng mới trong quá trình đàm phán về tranh chấp biển".
Nhìn nhận về các giải pháp tại biển Đông, Giáo sư Huang Jing, Giám đốc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hoá của Singapore cho rằng: "Điều tối quan trọng là phải tìm cách giải quyết vấn đề một cách hoà bình, tránh dùng vũ lực. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như những chuẩn mực và thông lệ đã được thừa nhận, thứ 2 là phải ổn định tình hình, không để căng thẳng và tranh chấp leo thang thành một cuộc khủng khoảng lớn, thứ 3 là cần xây dựng một khung để các bên liên quan có thể ngồi lại và tìm cách phối hợp hành động".
Giáo sư Chính trị Đông Nam Á, Duncan McCargo thuộc Đại học Leeds của Anh đề xuất rằng bước đi đầu tiên trong tranh chấp tại biển Đông là thúc đẩy luật pháp quốc tế đồng thời duy trì các thiết chế hiện nay với ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN và hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, giải quyết vấn đề gia tăng chi tiêu quốc phòng vốn đang gây mất lòng tin giữa các nước và tăng cường quan hệ Mỹ-Trung theo hướng hợp tác thay vì đối đầu. Giải quyết tranh chấp trên biển Đông là một quy trình lâu dài, đòi hỏi các bên phải kiên nhẫn và tích cực./.