Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhường lại vị trí ông chủ Nhà Trắng cho một trong 2 ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa. Lúc này, người ta bắt đầu nói nhiều hơn về những di sản mà ông Obama để lại cho nước Mỹ và thế giới trong 2 nhiệm kỳ vừa qua và phần lớn trong số này đều gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó, di sản thuyết phục số đông hơn cả có lẽ là kinh tế.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (ảnh: Bloomberg). |
Nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào suy thoái tháng 12/2007 và đến khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức đầu năm 2009 thì kinh tế Mỹ gần như rơi tự do khi các ngân hàng và ngành công nghiệp ô tô lừng lẫy một thời của Mỹ ngắc ngoải chờ cứu trợ của chính phủ. Đó là giai đoạn tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ sau Đại suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước.
Nếu như đầu năm 2009 khi ông Obama mới lên nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chạm con số kỷ lục 10,3% thì nay đã giảm một nửa, còn 5%. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang gần chạm mức cao nhất mọi thời đại.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Lawrence Mishel cho rằng: “Tôi nghĩ rằng thành tựu lớn nhất của Tổng thống Obama là đưa nước Mỹ ra khỏi một cái hố thực sự rất sâu mà ông ấy thừa hưởng từ cuộc suy thoái. Ông ấy đã nỗ lực đảm bảo rằng điều đó không bao giờ xảy ra nữa bằng đạo luật cải cách ngân hàng Dodd-Frank”.
Đạo luật Dodd-Frank được thông qua tháng 5/2010 dưới sự ủng hộ của Tổng thống Obama. Theo đó, một cơ quan giám sát độc lập được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ trước những cái bẫy tín dụng mà các ngân hàng giăng ra để hút khách.
Bộ Tài chính Mỹ cũng có thêm những cơ quan mới nhằm rà soát, kiểm tra và thắt chặt các quy định trong hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, đạo luật Dodd-Frank cũng yêu cầu các ngân hàng nâng mức vốn bắt buộc khả dụng và siết chặt hơn các thủ tục đầu tư của ngân hàng.
Trong khi nhiều nhà kinh tế ca ngợi thanh tựu này của ông Obama, một số nhà phân tích cho rằng dường như chưa có nhiều người dân Mỹ cảm nhận được sự thay đổi mà đạo luật Dodd-Frank mang lại. Kể cả những người đánh giá cao thành tựu kinh tế của Tổng thống Obama như nhà phân tích Lawrence Mishel cũng cho rằng ông vẫn chưa thể giải quyết được sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng ở Mỹ.
Mặc dù vậy, bất chấp những chỉ trích của giới tài chính ngân hàng Mỹ cho rằng đạo luật này giới hạn tính thanh khoản cũng như hạn chế khả năng đầu tư trên thị trường, Dodd-Frank đã triển khai được 6 năm mà chưa có dấu hiệu nào sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính Mỹ.
Dù người kế nhiệm của ông Obama là ai đi chăng nữa thì họ cũng sẽ phải thừa nhận rằng nhờ có đạo luật này của Tổng thống Obama mà kinh tế Mỹ được vực dậy sau khủng hoảng 2008./.