Tối 24/10, Hội nghị thượng đỉnh mùa thu của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels, Bỉ. Lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế, công nghệ cao, tăng trưởng và việc làm, cũng như vấn đề liên minh kinh tế-tiền tệ của khối. Tuy nhiên, thông tin tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trở thành một vấn đề nóng được thảo luận.
Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 24/10 (Ảnh: Reuters) |
Sau phiên khai mạc, Tổng thống nước Cộng hòa Lithuania Dalia Grybauskaitė đã chủ trì cuộc họp ba bên với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso.
Tổng thống Lithuania cho rằng, để thoát khỏi hậu quả của khủng hoảng tại châu Âu, cần phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới, thông qua nhiều chương trình cải cách.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ các tầng lớp dễ bị tổn thương trong xã hội. Theo ông, để tăng tính cạnh tranh của Liên minh, các chính sách xã hội phải gắn liền với chính sách kinh tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về các biện pháp Ủy ban châu Âu đề xuất nhằm mở rộng lĩnh vực xã hội của liên minh tiền tệ bằng cách tạo một bảng tính năm chỉ số gồm thất nghiệp, số lượng thanh niên không có việc làm, nguy cơ nghèo đói, mối quan hệ gia đình và thu nhập.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tăng cường đối thoại với các đối tác xã hội để họ tham gia nhiều hơn nữa vào việc ra quyết định và thực hiện các sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Theo các số liệu của Liên minh châu Âu, tại khối này có khoảng 23,3%, tương đương với 5,5 triệu lao động dưới 25 tuổi thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện không có nhiều giải pháp khả thi cho vấn đề này khi mà nhiều nước đang gánh số nợ lớn, ngân quỹ thiếu hụt, luật lao động với những quy định chặt chẽ về thuê và sa thải lao động và giới trẻ miễn cưỡng trong việc tìm kiếm việc làm.
Thông tin về việc tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Đức Merkel mặc dù theo kế hoạch ban đầu không nằm trong chương trình nghị sự nhưng đã chiếm một nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận.
Sau ngày đầu nhóm họp, chiều 25/10 (giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí ra tuyên bố đề cập tới quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đều ủng hộ quan điểm của Đức và Pháp tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương với Mỹ nhằm giải quyết rõ ràng vấn đề đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước.
Theo ông Van Rompuy, nhiều nước khác có thể tham gia với Đức và Pháp tìm kiếm một thỏa thuận sơ bộ trong lĩnh vực dịch vụ bí mật. Ông cho rằng những quy định mới về các mối "quan hệ tương hỗ" trong lĩnh vực tình báo cần phải tạo dựng lòng tin nhằm đảm bảo rằng những sự việc đáng tiếc không tái diễn trong tương lai.
Còn phát biểu sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Merkel cho biết, bà muốn một hành động cụ thể từ phía Tổng thống Mỹ Obama chứ không chỉ là những lời biện hộ. Theo bà Merkel, Đức và Pháp đang tìm một hướng đi chung với Mỹ trong việc hợp tác giữa các cơ quan tình báo và một thỏa thuận “không do thám” là cần thiết để tiến hành quan hệ hợp tác đó.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là tìm ra một cơ sở cho tương lai của các hoạt động. Như tôi đã nói hôm nay, đó là cần phải xây dựng lại niềm tin dựa trên sự tin tưởng đã bị lung lay. Nhưng chúng ta cũng có nhiều nhiệm vụ quan trọng trên thế giới cần phải hợp tác với nhau để giải quyết, chúng ta chịu trách nhiệm về an ninh chung thì đơn giản là chúng ta cần nhìn vào tương lai. Hiển nhiên những lời nói này chưa đủ, cần phải có sự thay đổi”, bà Merkel nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã ủng hộ ý định của Pháp và Đức muốn tiến hành thảo luận song phương với Mỹ trước cuối năm nay nhằm tìm kiếm sự cảm thông trong quan hệ về lĩnh vực này.
“Pháp và Đức sẽ có một sáng kiến, và chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với Mỹ để thống nhất một khuôn khổ chung mà sẽ được thực hiện vào cuối năm nay và các quốc gia châu Âu khác sẽ hoan nghênh điều này. Để cụ thể hơn, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng, giữa các dịch vụ khác nhau, chúng ta không chỉ làm rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ mà chúng ta có thể đồng ý nguyên tắc trong tương lai”, ông Hollande nhấn mạnh.
Dự kiến rạng sáng 26/10 (theo giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về các vấn đề như nâng cao hiệu quả của chính sách nhập cư và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” diễn ra vào cuối tháng tới./.